Câu hỏi muôn thuở, vậy chứ cũng không nhiều người trả lời được. Và trong những người biết đáp án thì cũng chỉ 1 phần là làm được. Đầu tiên định nghĩa “dev chất” là gì : là dev ngon, giao việc gì là tin tưởng tuyệt đối, nó sẽ tìm ra cách tốt nhất và trong thời gian nhanh nhất để giải quyết vấn đề. Và tất nhiên là nhanh – chắc chứ không phải nhanh – ẩu.
Đầu tiên để hình dung cho rõ ràng thì mới các bạn cùng mình làm 1 so sánh nhỏ giữa “dev chất cao” và “dev chất thấp” (cùi). Tất nhiên làm dev thì default là chất rồi, vì dev không phải ngồi gõ lọc cọc như khỉ vs đi cài win dạo, dev có vận mệnh “thay đổi thế giới” mà 😀
- Trách nhiệm :
Dev chất : Luôn xác định đúng tầm quan trọng của việc đang làm, không sao nhãng và tập trung làm tốt việc được giao. Sếp có giao thêm việc cũng ráng trong phạm vi sức khỏe vs khả năng.
Dev cùi : Cứ làm tới đâu thì tới, mình làm không được thì thằng khác nó làm, vẫn hưởng lương đầy đủ.
- Kiến thức :
Dev chất : Chịu tìm tòi học hỏi từng khía cạnh nhỏ công nghệ đang làm, ngoài ra rảnh rỗi còn hay xem cái này cái kia (ngôn ngữ – công nghệ ấy, ko nghĩ bậy nha).
Dev cùi : Miễn sao đủ để làm project hiện tại được rồi, hơi đâu tìm hiểu nhiều cho hại não.
- Thái độ :
Dev chất : Ngưỡng mộ dev chất hơn, thường là các anh senior trong công ty hoặc là những cao thủ trong cộng đồng IT.
Dev cùi : Không quan tâm hoặc là mấy anh xấu tính còn ghét người giỏi hơn mình, đôi khi còn chơi khăm nhau : bố thả bug cho mày lãnh đủ, ngon fix đi cu !!! hoặc là : mấy cái đấy ai chả làm được. Nói thì dễ lắm, làm mới khó.
- Tín nhiệm :
Dev chất : Hứa là làm, không hứa suông và cũng biết từ chối nếu thấy quá sức. Cũng có vài anh đôi khi không tự lượng sức nhưng sau vài lần sẽ thấy ớn mà tự sửa đổi.
Dev cùi : Hứa thật nhiều và éo làm hoặc là không làm được. Cái này 1 là lười 2 là khả năng có hạn nhưng cứ thích ôm task quá tầm.
So sánh sơ sơ vậy thì mọi người cũng biết để làm dev chất cũng dễ thôi đúng ko 🙂 quan trọng nhất là trách nhiệm – thái độ chứ không phải giỏi hay dở. Vì cái giỏi nó mông lung lắm, như trò đùa vậy. Tại anh giỏi cái này nhưng anh chưa chắc giỏi cái khác. Làm việc trong team tất nhiên sẽ có anh gánh team, mà anh cũng đừng có tự tin quá đáng vì nếu mấy mem khác không cố làm mấy cái râu ria kia thì anh gánh bằng niềm tin.
Đối với khách hàng Nhật, cái tính chắc ăn đã ngấm vô máu họ rồi nên làm gì cũng giao cho người nói được làm được. Mấy anh PM làm với khách Nhật lâu năm thì tư tưởng đó cũng ăn sâu, vậy nên khi giao việc thì yếu tố đầu tiên để đánh giá member chính là coi “chú này tin được không“, chứ hứa với khách là ngày nọ ngày kia fix xong bug, giao cho đứa ất ơ thiếu trách nhiệm fix thì xác định ăn chửi no luôn. Vậy nên dev nào nghĩ mình chất nhưng sếp mờ mắt chưa nhìn ra thì chính những thời điểm then chốt này phải tạo dựng lòng tin.
Tóm cái váy 3 bước để trở thành dev chất.
Bước 1 : Ra chợ mua đôi giày đen vs bộ vest mượt mà
Bước 2 : Tìm khu nào đông đông người như phố đi bộ hay ngã 4
Bước 3 : Hô to khẩu hiệu “tôi bất chấp tất cả, tôi sẽ thành dev chất, 1 mình cân dự án triệu đô”
Giỡn chút thôi, mấy bạn đọc phần dưới.
Bước 1 : Thường xuyên trau dồi kỹ thuật lập trình, học ngôn ngữ – Framework mới để mở rộng kiến thức. Ngoài ra nên đọc các bài báo or blog xu hướng công nghệ tương lai để định hình tầm nhìn dài hạn.
Bước 2 : Luôn có trách nhiệm trong công việc cũng như lời hứa. Ngoài ra không phải chỉ làm cho tốt việc mình mà còn phải giúp đỡ anh em nếu có cơ hội. Riêng chú ý 1 điều mình không khuyến khích lắm : giúp tester tìm bug của dev khác.
Bước 3 : Tìm cơ hội thể hiện và bớt phàn nàn. Nếu thấy mình trất quá trất rồi mà không được trọng dụng thì các bạn biết làm gì rồi đấy 😀
Và còn 1 điều nữa : Dev chất lương cao hơn dev cùi. Thường là vậy, có vài trường hợp ngoại lệ do chính sách tuyển dụng (dev chất cây nhà lá vườn lương thấp hơn dev cùi mới tuyển), nhưng chỉ là tạm thời vì nếu không mấy ông “trất” sẽ đi theo tiếng gọi kim tiền hết.