Ký sự BrSE

Những nẻo đường kỹ sư cầu nối

Có một ước mơ bị lãng quên

Ước mơ được làm kỹ sư cầu nối …

Trong lúc ngồi chờ data upload lên sever rảnh rỗi viết vài dòng tâm sự.
Hôm nay là một ngày bình thường như bao ngày. Mọi người đang nghỉ lễ, vui vẻ bên gia đình – bạn bè, hoặc có thể đang thả mình vào bãi cát vàng biển xanh đầy nắng. Và mình đang … ngồi trong phòng sever để migration database production (Chuyển dữ liệu lên môi trường thật). Không sao cả, đó là công việc bình thường của một BrSE, lúc người khác làm – bạn làm, và khi người khác nghỉ, bạn vẫn … phải làm. Vì đam mê ? cũng một phần, vì trách nhiệm thì đúng hơn. Cái này cũng không phải tiêu cực gì, nhìn rộng ra thì mỗi người một nghề, và trong IT cũng có nhiều vị trí – vai trò (role) khác nhau, ai cũng cần phải có trách nhiệm với việc mình đang làm. Đấy chính là sự trưởng thành và chuyên nghiệp.



Đã từ rất lâu rồi, chắc phải 4-5 năm gì đó, mình mới có được một dịp thảnh thơi để suy nghĩ về những gì đã qua. Và nhận ra bao áp lực vô hình đè nặng của công việc, con cái, mục tiêu, và cả những áp lực đồng cấp bủa vây làm mình quên mất đã từng có ước mơ được làm kỹ sư cầu nối từ lúc mới ra trường.

Ngày đó lúc tiếng Nhật còn bập bẹ, kinh nghiệm zero, nhìn các anh chị senpai dẫn khách từ Nhật về thăm đội dự án, chuyện trò với khách mượt mà như nước chảy mây trôi, nghiệp vụ – kỹ thuật hỏi cái gì cũng biết, ngưỡng mộ lắm lắm và cũng ước 1 ngày mình được như vậy. Và cũng được thật, tuy nhiên khi đặt mình trong vai trò ấy dần dần mình đã quên mất đang được sống trong ước mơ thủa ban đầu. Giật mình nhìn lại đã 14 năm. Dài quá.

Có một người anh hỏi như này “Em thấy bản thân em giỏi việc gì” mình cứng họng không trả lời được. Không phải vì khiêm tốn hay gì, mà quả thật khi tự nghiệm lại những thứ sau thì phát hiện ra sự thật “Em thấy mình chưa giỏi bất kỳ cái gì”.
Kỹ thuật ? sao so được với các Senior. Để define system Front-Back-Database mình đủ sức làm, tuy nhiên khái niệm giỏi ở đây là phải tối ưu hóa mọi thứ một cách hợp lý nhất về tính năng – effort ít tốn kém – độ thân thiện của source để dễ mở rộng và sửa đổi … thì cái đó mình chưa làm được.

Nghiệp vụ ? uhm thì công nhận là biết nhiều mảng, từ hệ thống Viễn thông của Nhật (tương tự au-docomo-softbank), ERP trong nội bộ công ty, MES – Quản lý sản xuất, Thương mại điện tử, Giáo dục, Y tế, Bảo hiểm và gần đây là cả Tài chính – Chứng khoán … tất cả mình đều tham gia từ đầu với vai trò cùng khách hàng định nghĩa yêu cầu và tự tay thiết kế. Tuy nhiên bảo giỏi thì lại không, vì tất cả những thứ ấy mình chỉ làm trong thời gian dài nhất là 2 năm, mà để đạt tầm master thì phải mất ít nhất 10 nghìn giờ – tương đương với 5 năm liên tục cho một việc (mỗi ngày 6h). Bỏ qua yếu tố thời gian thì thực sự công nhận là bản thân trước giờ chưa có sáng tạo gì đột phá trong định nghĩa luồng nghiệp vụ cả, tất cả chỉ là dựa vào một cái gì đó có sẵn rồi thêm bớt một chút cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng, như vậy mà gọi là giỏi thì cũng hơi kỳ.

Còn về mặt quản lý (PM) ? không hề luôn. Chỉ ở mức tròn vai thôi. Có một điểm sáng là tất cả những dự án mình làm với vai trò Br, đôi khi là Br kiêm PM thì chưa con nào fail, mặc dù cũng có phàn nàn từ 2 phía, nhưng dù sao đều kết thúc với hiệu suất trên 90% so với Estimate ban đầu. Các chỉ số đo đạc lại khi Closing đều đạt chỉ tiêu. Và phần đông các PM-BrSE đều làm được việc này, vậy thì thành tích đó có gì đâu mà vượt trội. Ngay cả về đích với size dự án tầm 1-2 triệu đô cũng không phải con số quá lớn, nhìn lên thì đầy người làm được với những con project khủng bố hơn nhiều. Như sếp cũ của mình mới gọi là siêu, 27 tuổi – lead dự án 1000 man month trong vòng 6 tháng (start – release) với size 200 người từ 5 công ty hợp lại và cán đích thành công với hàng loạt sáng tạo đột phá trong cách quản lý và thưởng phạt để tăng productivity lên gần gấp đôi (4K LOC/1MM, chuẩn là 2.5K). Nhìn lại thấy mình nhỏ bé quá.

Rồi về sales, thôi khỏi bàn vì cái này không phải sở trường. Mình biết và đã có kinh nghiệm làm các step từ tìm kiếm khách hàng tới khi có được dự án – follow và after follow trong CRM, tuy nhiên một sales giỏi thì đó là cái cơ bản cấp tiểu học, còn ở tầm level cao là phải đọc vị được khách hàng cần gì – nghĩ gì, mình chưa làm được.

Ngoài ra là một loạt các kỹ năng từ cứng như RD – BD – DD, rồi các tài liệu Kick-off, Guidelines, Closing, Estimate, Proposal … cho tới các kỹ năng mềm như thuyết trình, đàm phán, xử lý vấn đề, giao tiếp … đều chỉ ở mức từ trung bình tới khá. Bởi vậy lúc đứng lớp trong các khóa học BrSE, mỗi lần các bạn học viên gọi “Thầy” là mình cắt ngay “gọi Anh là được rồi em”.

Qua một hồi tổng kết – tự nghiệm thì mình đã tự hỏi bản thân có tự nhục không ? không, tự tin không ? có, ai giao gì cũng dám nhận, dám làm và dám chịu, không ai giao việc thì tự biết cách nghĩ việc ra mà làm. Có tự mãn không ? đã từng, nhưng giờ hết rồi. Đó là điều bình thường khi bắt đầu việc gì ai cũng đều bị một hiệu ứng gọi là Dunning-Kruger – “Là một loại thiên kiến nhận thức khi mỗi người tự đánh giá khả năng của bản thân cao hơn trình độ thực tế của chính họ”. Có vui không ? có, công việc này mang lại thu nhập khá ổn dựa trên giá trị tạo ra, cũng giúp được nhiều bạn theo nghề và có mức lương cao, nhiều đứa còn cao hơn mình. Đôi khi nhận được tin từ mấy đứa em đã đạt được cái này cái kia cảm giác tự hào vì đã góp một chút ít trong quá trình ấy. Và cuối cùng nếu được chọn lại thì mình vẫn sẽ chọn đi theo con đường này, lý do ? cũng khó giải thích, chọn thì cứ chọn thôi. Data upload cũng xong rồi, chưa thấy error gì. Hẹn gặp lại mọi người trong những lần tâm sự sắp tới.

Đánh giá bài viết
Nếu thấy hay thì đừng ngại