Ký sự BrSE

Những nẻo đường kỹ sư cầu nối

Kỹ Năng Tự Học

Series kỹ năng mềm dành cho BrSE :

  1. Làm việc nhóm
  2. Xử lý vấn đề
  3. Giải thích – thuyết trình
  4. Đàm phán
  5. Tìm kiếm thông tin
  6. Giao tiếp
  7. Tự học

Bàn về cách tự học

Người lớn chúng ta đôi khi khôn quá hoá dại. Mọi người “sáng tạo” ra vô vàn cách học, tự đặt ra cho mình những áp lực vô hình đè nặng lên bản thân để rồi kết quả mang lại liệu có xứng đáng ?

Hãy nhìn con trẻ, học con trẻ cách học. Tụi nhóc vừa học vừa chơi, niềm vui đi cùng khám phá, và chả có deadline nào được đặt ra cả, tuy nhiên kết quả ta sẽ thấy rất rõ ràng sau vài năm. Những điều mà mấy nhóc học được vượt xa tưởng tượng của người lớn.

Vậy các con học bằng cách nào ?
Đó chính là bắt chước. Là cách học nhanh nhất và an toàn nhất.

Nên học cái gì

Sau khi ra trường, hoặc ngay cả lúc còn đi học chúng ta sẽ luôn có 2 nguồn kiến thức : thụ động và chủ động. Tức là 1 phần kiến thức nằm sẵn trong chương trình đào tạo của nhà trường – công ty (các công ty cũng có chương trình đào tạo nhân viên thường niên). Và 1 phần sẽ là những gì bản thân tự học nếu cảm thấy cần thiết + hứng thú.

Phần tự học chính là cái tạo ra khác biệt. Phải biết nên học cái gì, đó mới là mấu chốt. Để trả lời cho câu hỏi khó này ta phải tìm cho mình một mục tiêu dài hạn : trở thành PM, Manager, SA (system achitechture), BrSE. Dài ở đây là phải 2–> 5 năm. Cũng tuỳ xuất phát điểm, tức là tự mình xem xét còn thiếu bao nhiêu lượng kiến thức để đạt được mục tiêu, để bổ sung ngần ấy mất bao lâu. Các bạn chú ý một điều đây không phải là deadline, mà chỉ là khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành một cái gì đó, quan trọng nhất là phải có hứng thú thật sự với việc học. Có thể lâu hơn dự kiến nhưng kiên trì mới gặt quả ngọt. Cảm nhận niềm vui qua quá trình và đừng nghĩ quá nhiều đến kết quả.

PM

Kỹ năng cần thiết :

  • Quản lý và điều phối nhân sự
  • Estimate Project, Estimate Phase (từng phần project) – Task
  • Proposal : nhằm PR khả năng của team/công ty
  • Lên plan : sao cho keep deadline nhưng không phải OT
  • Quản lý rủi ro (Risk Management) : mình sẽ có bài viết riêng vì khá to
  • Quản lý và báo cáo tiến độ
  • Dự báo khả năng – phần trăm hoàn thành để lên chiến lược thực thi
  • Thúc đẩy tinh thần (motivation) team
  • Cách chia team và vận hành teamwork
  • Kỹ năng dùng người : nghe có vẻ kiếm hiệp nhưng mà cần thiết
  • Khả năng chịu đựng : ứng phó với cấp trên ép, khách phàn nàn, bảo vệ member.
  • Và một số kỹ năng râu ria khác như … nhậu :)))

Các bạn xem mình còn đang thiếu đang yếu cái gì thì đắp cái đó vào. Nhưng cũng không nhất thiết có đủ mới làm, không phải bài toán con gà quả trứng. Nếu cảm giác tự tin thì xin thử sức, ban đầu quản dự án nhỏ vài người, sau đấy nâng level lên vài chục, vài trăm.

BrSE

Kỹ năng cần thiết : cái này nhai đi nhai lại riết

  • Code : giỏi 1 thứ, biết rộng các công nghệ khác
  • Tiếng Nhật : tối thiểu N2
  • Kỹ năng Proposal, Estimate, Design, Test
  • Kỹ năng mềm : những thứ trong series này
  • Leader/Management : BrSE level 4 trở lên mới cần

Những role khác các bạn cứ tự tìm thử xem cần cái gì, việc tìm hiểu và gom thông tin, chuẩn hoá nó để tạo ra kiến thức cho bản thân cũng là 1 trong các kỹ năng tự học. Thực hành liền đi nhé.

Học như thế nào

Sau khi biết được “học cái gì” (WHAT), thì bước tiếp theo là học như thế nào (HOW). Phạm vi mình chỉ viết cho đối tượng BrSE, còn các bạn muốn đi theo hướng khác thì tìm các blog khác để học, như muốn làm SA thì kysusa, PM thì kysupm …

Để có hiệu quả trước tiên phải quên đi mọi áp lực.

Ví dụ như học tiếng Nhật chẳng hạn, cái chúng ta cần nhắm đến không phải bằng cấp, mà chính là từ vựng, là cách phát âm mỗi từ, cách dùng các câu mẫu rồi thay chữ ghép câu. Từng bước một, thời gian trôi đi, lượng kiến thức sẽ nhiều lên và trong quá trình học, sẽ có được cả niềm vui. Mình đã từng chứng kiến nhiều trường hợp cày cuốc cật lực trong 9 tháng từ zero lên N2, làm thì làm được, nhưng để giữ lửa sau 9 tháng đó chỉ có số lượng ít.

Vậy nên nếu đã đi được một thời gian vài năm mà chưa thấy tiến bộ cũng đừng lo lắng, quan trọng vẫn còn hào hứng, vẫn yêu thích việc nói ra một ngôn ngữ khác và nghe hiểu được người ta nói gì. Nói đâu xa, mình mất hơn 2 năm để học lên được N4, các bạn đọc bài này, mình kể chi tiết trong đó.

Học code cũng vậy, đầu tiên phải học cách build môi trường, deploy cái helloworld, sau đó nghĩ ra cái app gì hay ho rồi ngồi code thử, đẻ ra đống bug rồi fix. Trong quá trình đó hãy bắt chước cách làm của những người đi trước để rút ngắn thời gian. Khi đã có đủ một lượng kiến thức nhất định thì bắt đầu mới tính tới giai đoạn tiếp theo là định hình phong cách riêng. Cũng như mọi đứa trẻ, những năm đầu đời đa số ngây thơ như nhau, nhưng càng lớn dần lên thì mỗi đứa mới bắt đầu từ bỏ thói quen bắt chước và định hình tính cách.

Một số trang web hay dành cho những bạn muốn học code từ đầu :

W3School : đây là trang tiếng anh dành cho các bạn muốn theo hướng web (client – server), sau mỗi phần giải thích khái niệm có code thử.

Nội dung đầu mục của W3School

o7planning : trang tiếng việt, đầu tư khá chất, bài viết rõ ràng, có minh hoạ dễ hiểu.

Nội dung đầu mục của o7planning

VietJack : cũng là trang tiếng việt cho bạn nào ngại tiếng anh. Những kiến thức rất cơ bản, dễ học, dễ code theo.

Các đầu mục trang VietJack

Ngoài ra còn rất nhiều trang hay ho khác nhưng toàn bằng tiếng anh, các bạn có thể tham khảo : StackOverflow, Github, Pornhub …

Còn nếu ベトナム語より日本語が上手な方:https://qiita.com/ thượng vàng hạ cám trong này cái gì cũng có.

Kết

Cũng chưa viết được gì nhiều nhưng vì dài quá nên mình kết luôn cho nó nhanh. Ngoài WHAT, HOW các bạn phải tự xác định WHEN (học khi nào, bao lâu mới xong), WHERE (học online hay trung tâm, chỗ nào uy tín). Trước khi bắt tay hoặc một khi nản quá thì phải luôn nhớ là WHY (tại sao mình cần phải học cái này) và cuối cùng nó có lợi cho chính bản thân mình (WHO). Cách với phương pháp thì có nhiều, amater thì nên bắt chước.

Bắt chước không có gì xấu cả, quan trọng là tìm đúng thầy, đúng người để mà theo học. Trước đây từng nghe câu này ko biết của ai : “Có được sếp tốt còn quý hơn cả công việc tốt”, cũng có lý. Vậy nên các bạn khi ra đời đi làm, cố chọn cho mình một người mentor, có thể là sếp, đồng nghiệp lớn tuổi hoặc ít tuổi mà giỏi hơn mình thì cũng chả sao, quan trọng vẫn là thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Có thể bây giờ vẫn chưa là gì nhưng cứ giữ thái độ vậy tầm 10 năm 20 năm xem, sẽ khác nhiều.
Hãy là chính mình ! tạm quên cái câu này đi nhé, khi mà mình còn đang tào lao thì cứ học hỏi cái đã, lúc nào giỏi rồi thì “hãy là chính mình” mới có giá trị.

4/5 - (8 votes)
Nếu thấy hay thì đừng ngại