Ký sự BrSE

Những nẻo đường kỹ sư cầu nối

Anh Cừ - COO MiichiSoft

Phỏng vấn anh Cừ – Con đường từ BrSE lên COO

Từ lâu mình đã ấp ủ ý định phỏng vấn các cây đa cây đề trong làng IT xuất thân từ BrSE. Trước đến nay khá nhiều bạn trăn trở làm thế nào để trở thành BrSE. Thực ra đây không phải đích đến mà là bước đệm, hoặc “dã man” hơn gọi là phương tiện, dù sao cây cầu cũng chỉ để người ta dẫm đạp thôi mà :))) Vậy sau khi đã làm BrSE một thời gian, các bạn muốn rẽ theo một hướng khác thì làm sao? Chúng ta hãy cùng nghe câu chuyện chia sẻ từ anh Cừ – COO của Miichisoft, Giám đốc điều hành xuất thân từ DEV sau một thời gian bước qua cây cầu BrSE. Qua đó sẽ mang tới cho bạn một vài điều để có thể tham khảo cho bước đường sắp tới. Và cũng để khẳng định thêm một điều : xuất phát điểm thấp hay cao không quan trọng bằng việc bạn có dám tiến lên hay không.

Mình vào đề luôn, bài phỏng vấn khá dài nên các bạn chịu khó nhé.

Chào Cừ, lời đầu tiên mình xin thay mặt các bạn đọc giả của Blog KysuBrSE cảm ơn bạn đã nhận lời phỏng vấn. Bài phỏng vấn này được thực hiện trong khoảng thời gian dịch bùng phát rất căng thẳng, chúc sức khoẻ tới gia đình Cừ và anh em Miichisoft.

Về lý do có buổi phỏng vấn này xuất phát từ “Event chuyện nghề BrSE” diễn ra cách đây vài tuần, hôm đấy rất ấn tượng với phong thái chững chạc cũng như tinh thần chia sẻ của Cừ tới các bạn trẻ. Nhưng vì thời lượng quá ít nên còn nhiều điều chưa nói hết. Hy vọng qua việc hỏi và trả lời trong bài này sẽ mang tới nhiều kinh nghiệm quí báu cho nhưng ai đang hoặc sẽ đi theo con đường BrSE.

Câu hỏi 1 :
Chào Cừ, bạn giới thiệu qua 1 chút về tên-tuổi-quê quán-công việc … cả giới tính 😀 cho bạn đọc được biết nhé.

Đầu tiên em xin được gửi lời chào đến anh Trọng và tất cả mọi người. Em họ tên đầy đủ là Hoàng Trọng Cừ, em sinh năm 1988, 100% là men thẳng. Em quê ở Hà Tĩnh hiện nay em đang sống và làm việc ở Hà Nội. Hiện tại thì em đang đảm nhận vị trí COO tại Miichisoft.

Người phỏng vấn (NPV) : nhận được câu trả lời anh thấy yên tâm quá 😀 mấy lần tiếp xúc thấy em nói chuyện nhẹ nhàng anh cứ lo lo, hóa ra không phải hahaaa. Giỡn chứ qua đây anh cũng cảm ơn em vì những chia sẻ rất “thẳng” thắn và thực tế với các bạn trẻ trong đợt event vừa rồi và hy vọng anh em mình sẽ có dịp hợp tác với nhau nhiều hơn.

Câu hỏi 2 :
Hiện tại đang là COO, một vai trò cực kỳ quan trọng trong công ty. Trước đây đã có khoảng thời gian dài BrSE, vậy thì lý do vì sao bạn đã không chọn BA, DEV, QA, PM … mà đã theo hướng BrSE ?

Năm 2011 em tốt nghiệp K51 đại học Bách Khoa Hà Nôi – Chương trình Việt Nhật (cũng là khoá 1 mở ra chu kỳ thành công cho các khoá sau này của chương trình Việt Nhật) hành trang lúc đó cũng không có gì nhiều ngoài một ít kiến thức lập trình và chứng chỉ tiếng Nhật lúc đó là N3. Sau 2 năm làm việc ở vị trí developer gần như không sử dụng một chút tiếng Nhật nào (đã có những thời điểm là sử dụng tiếng anh làm việc với khách hàng singapore) thì em nhận ra là công việc của developer không phù hợp với mình và lúc đó bắt đầu tìm kiếm một công việc khác phù hợp hơn. Lúc đó bắt đầu tìm hiểu về các hướng đi mà mình có thể thử với những kỹ năng mình đang có thì có 3 lý do chính thời điểm đó bắt đầu nghĩ đến công việc BrSE
1. Đó là có chút vốn liếng Tiếng Nhật
2. Làn sóng chuyển dịch outsource của Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam làm thị trường nhân sự IT của Việt Nam làm với Nhật bắt đầu sôi động hơn.
3. Nhân dịp có một người bạn cùng khoá đại học rủ em về đầu quân cho công ty của bạn ấy (cũng là một công ty trẻ làm offshore cho thị trường Nhật) thực ra lúc đó vẫn là vị trí developer nhưng với hứa hẹn là được làm việc trực tiếp với khách hàng nhiều hơn.
Đó là điểm khởi đầu cho sự lựa chọn BrSE của em. Sau một thời gian làm việc thì bắt đầu hiểu nhiều hơn về công việc của mình và lúc đó mới thực sự xác định đó sẽ là định hướng mà mình sẽ theo đuổi lâu dài.

Anh Cừ đang chỉ Dev cách fixbug (hoặc ngược lại)

NPV: Qua câu chuyện khá đầy đủ của anh Cừ về cơ duyên, các bạn có thể thấy rằng đôi khi nghề chọn người. Cái cốt yếu ở đây mà chúng ta nhận ra đó là cho dù làm việc gì đi nữa cũng cần có thời gian để ngấm, khi đó mới biết được hợp hay không hợp. Thời gian phải tính hàng năm trời chứ không phải vài tuần vài tháng. Tiền đề cho sự thành công hiện tại của anh Cừ cũng có một phần của sự cố gắng trau dồi tiếng Nhật trước khi tốt nghiệp. Bởi vậy nên các sinh viên bạn tranh thủ thời gian để cân bằng giữa việc Học(kỹ thuật, ngoại ngữ) + Chơi (trải nghiệm). Còn đối với những bạn đã đi làm thì sau 1-2 năm cần nhìn nhận lại bản thân mình phụ hợp với con đường nào để rẽ nhanh còn kịp chứ không phải đợi tới 5-10 năm nhìn lại thì tóc đã bạc.

Câu hỏi 3 :
Hãy kể tóm tắt về con đường đi lên BrSE và sau đó lên COO từ sau khi ra trường cho tới thời điểm hiện tại được không ?

Thời điểm anh Cừ đang “du lịch” mấy năm ở Nhật

Như em có chia sẻ ở trên em ra trường năm 2011 sau đó là một khoảng thời gian 2 năm làm việc ở vị trí developer trong mảng mobile (một mảng khá hot trong thời điểm đó) cụ thể là lập trình iOS.
Năm 2013 thì em quyết định lập gia đình và cũng vì như vậy mà bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về chặng đường tiếp theo mình muốn đi vì mình bắt đầu sống cuộc sống không phải cho riêng mình nữa (hehe). Thời điểm đó quyết định join vào công ty start up offshore làm với thị trường Nhật (thời điểm đó công ty mới chỉ có hơn 10 người – hiện tại thì công ty đó đã có quy mô 1000 người) thời điểm bắt đầu thì cũng vẫn chỉ là ở vị trí dev cứng của mảng iOS nhưng điểm hơn là bắt đầu làm việc trực tiếp với khách hàng chủ yếu là chat.

Năm 2014 làm nhiều hơn công việc ở vị trí BrSE và thiên hướng là bắt đầu tìm tòi học hỏi về kỹ năng quản lý dự án. Cũng trong cùng năm thì cũng được bổ nhiệm là team lead team iOS và bắt đầu tiếp xúc và học về quản trị nhân sự.

Năm 2015 em được bổ nhiệm vào vị trí Division Manager và bắt đầu công việc dần thiên về quản trị. Dù trong khoảng thời gian này vẫn đảm nhiệm vị trí PM/BrSE của một số dự án khi cần thiết hoặc khi thiếu hụt nhân sự tạm thời.

Tháng 5/2018 thì em chính thức dừng công việc DM của mình tại công ty lúc đó nhân sự của Division là khoảng ~80 người và cùng với bạn thành lập Miichisoft hiện tại. Và bắt đầu từ đó em đảm nhận vị trí COO của Miichisoft cho đến giờ.

Sau bao năm cày bừa vất vả giờ anh trông có vẻ thảnh thơi hơn

NPV : Quá trình từ DEV – BrSE – COO là cả sự phấn đấu miệt mài hàng chục năm trời. Hôm trước có một bạn hỏi mình : “giữa đãi ngộ và vị trí thì anh nghiêng về bên nào”. Thật sự thì 2 cái này có mối tương quan, chức càng cao – đãi ngộ càng lớn. Tuy nhiên không phải “mình muốn” là được mà trước tiên phải chứng minh được bằng kỹ năng tốt – trải nghiệm đủ, xứng đáng với vị trí đó. Thiếu một trong 2 yếu tố này thì cho dù có miễn cưỡng đảm nhận cũng không mang lại lợi ích cho cả bản thân lẫn tập thể về lâu dài. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều trường hợp lưỡng lự vì không biết bản thân đủ để gánh vác trọng trách hay không. Câu trả lời là THỬ thì mới biết, cho người khác cơ hội và cho cả bản thân cơ hội. Cho dù trường hợp xấu nhất là không đạt được kết quả như mong đợi thì mình cũng sẽ học được nhiều điều để áp dụng cho những lần sau vì cơ hội sẽ tới với người cần nó, không sớm thì muộn.

Câu hỏi 4 :
Công việc của một COO bạn đang làm gồm những gì và quá trình những năm tháng vật vã với vai trò BrSE có giúp được gì nhiều cho công việc hiện tại hay không?

Với một doanh nghiệp ở qui mô vừa như Miichisoft (~150 nhân sự) đang hoạt động trong thị trường offshore cho thị trường Nhật thì vị trí COO đồng thời thực hiện khá nhiều nhiệm vụ. Nhưng nếu phải chỉ ra những nhiệm vụ chính và nặng nề nhất cho vị trí hiện tại thì bao gồm:
1. Tham gia hoạch định kế hoạch và chiến lược phát triển công ty (cùng với CEO và ban giám đốc)
2. Triển khai các kế hoạch chiến lược đã vạch ra.
3. Điều phối phân bổ nguồn lực và đảm bảo các dự án sản xuất của công ty được vận hành trôi chảy. (Bao gồm việc làm việc với các partner để hợp tác)
Không chỉ quãng thời gian làm BrSE mà em thấy rằng tất cả các vị trí mình đã trải qua đã giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc hiện tại cụ thể:
1. Do đã trải qua hầu như tất cả các vị trí trong team phát triển phần mềm (ngoại trừ vị trí tester nhưng vẫn có được kinh nghiệm tester từ vị trí BrSE ^^) giúp em hiểu rất rõ qui trình, các yêu cầu, công việc của từng vị trí trong tổ chức của mình để có sự điều chỉnh phân bổ và bố trí hợp lý nhất.
2. Quãng thời gian dài làm việc ở vị trí BrSE giúp em hiểu được tâm lý, mong muốn văn hoá thói quen của khách hàng (Nhật) cũng giúp mình không ít trong việc xây dựng tổ chức đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
3. Việc mình đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình cũng khiến các cộng sự tin tưởng, nể trọng vị thế của mình hơn (ít nhất chắc là không bị chửi chỉ là một ông sếp rỗng mà không có thực lực) cho nên việc thực thi triển khai các kế hoạch cũng được thuận lợi hơn
4. Tính chất công việc căng thẳng, trách nhiệm cao và luôn đòi hỏi sự hoàn hảo (với khách hàng Nhật) cũng giúp em hình thành một phong cách lãnh đạo chỉn chu cẩn thận mà em thấy là khá phù hợp với con người của mình và điều đó bây giờ cũng đang giúp ích rất nhiều cho Miichisoft.
5. Kỹ năng đàm phán học được khi làm BrSE cũng là một trong những chìa khoá quan trọng khi thực hiện các đàm phán với đối tác, khách hàng cũng như đôi khi là bên trong nội bộ.

NPV: Quả thật những trải nghiệm từ vị trí BrSE giúp ích rất nhiều cho công việc sau này. Điểm mấu chốt theo chia sẻ từ anh Cừ đó chính là sự thấu hiểu. Hiểu khách hàng, team offshore, qui trình vận hành và biết cách xử lý tình huống để mang lại sự hài hòa cho đôi bên. Thật ra không chỉ BrSE, mà bất kỳ một vị trí nào cũng vậy, khi mình tâm huyết với nó thì nghề sẽ dạy người cách sống – cách làm việc để ứng dụng vào những công việc – trị trí cao hơn trong tương lai.

Câu hỏi 5 :
Trong IT có rất nhiều role, mỗi vai trò đều có mảng công việc riêng của mình. Hơn 10 năm trong nghành mình nhận thấy đa số những ai thành công đều có một điểm chung là tính “chuyên nghiệp trong công việc” và “kiên trì trong sự nghiệp”. Bạn có cùng suy nghĩ đó không và ở đâu mình muốn đặt ra 2 câu hỏi :
Tính chuyên nghiệp theo bạn là gì
Tính kiên trì có thể cải thiện được không, rèn luyện bằng cách nào.

Đối với em thì trong cuộc sống hay trong công việc bất kỳ ai cũng sẽ có những ranh giới, tiêu chuẩn chuẩn mực của bản thân mình. Sẽ không có một tổ chức, một cá nhân, công việc nào là hoàn hảo cả vì vậy tiêu chuẩn chuyên nghiệp của em tương đối đơn giản
1. Cho dù bạn làm việc ở vị trí nào cũng phải luôn nghiêm túc trau dồi kỹ năng của mình phục vụ cho công việc ở vị trí đó.
2. Khi bạn đã nhận trách nhiệm về công việc hoặc với tổ chức thì phải có ý thức trong việc dùng hết khả năng của mình để hoàn thành công việc đó đến cùng tốt nhất trong khả năng có thể của mình.

Về tính kiên trì theo em là có thể rèn luyện được tuy nhiên các bạn sẽ cần hiểu rõ về thứ mà mình định kiên trì theo đuổi và tốt nhất là nên có môt chút đam mê hứng thú với mục tiêu của mình.
Để rèn luyện tính kiên trì cách tốt nhất theo em là chia nhỏ mục tiêu thành các mục tiêu nhỏ dễ dàng đạt được hơn để kích thích thêm niềm hứng thú với công việc.
Với mỗi mốc mục tiêu sau khi đạt được thì tự bản thân mình nên tự xem xét đánh giá lại xem mình cần cải thiện những điều gì và hướng đến mục tiêu tiếp theo mà không được phép dừng lại. Dần dần các bạn sẽ quen với việc đeo bám mục tiêu của mình bằng mọi cách mà mình có thể và các bạn sẽ rèn luyện được tính kiên trì cho bản thân mình.

NPV: Cách đây 1 tháng mình có xem bài phỏng vấn rất hay về cụ bà Masao 93 tuổi, nghệ nhân làm bánh từ nếp và đậu đỏ có tên sasa-mochi – một thứ bánh dân dã, dẻo, bùi và ngọt sắc. Đáng nhớ nhất là câu nói của cụ : “10 ngón tay là món quà trời ban, hãy chăm chỉ làm, và công việc sẽ dạy cho mình những điều tuyệt vời”. Cụ mất 5 năm để nắm được công thức làm bánh xuất sắc và 10 năm để trồng được nguyên liệu vừa ý. Cụ chuyên nghiệp tới mức mà đầu bếp hàng đầu ở Ginza – nơi tập trung toàn tầng lớp thượng lưu, phải tới bái cụ làm sư phụ để học về cách làm bánh. Đặc biệt nhất là cách tạo ra vị bánh ngon từ chính vỏ đậu, phần mà hầu hết người ta bỏ đi, và cả cách cụ chọn lựa kỹ càng từng lá trúc để gói ra đúng số lượng bánh nhất định theo yêu cầu. Qua câu chuyện này và cả những chia sẻ quý báu từ anh Cừ, mình cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ IT, ngay cả Non-IT muốn chuyển hướng thành BrSE hay một vị trí khác thì điều đầu tiên chính là sự dấn thân. Bởi vị đó là nền tảng để tạo nên tính chuyên nghiệp, và bước đệm để mình làm nên những điều dù lớn lao hay nhỏ bé thì chắc chắn đều là những thứ có ý nghĩa.

Ngoài công việc ra thì sách là kho tư liệu quý báu để học hỏi

Câu hỏi 6 :
Bạn thấy môi trường làm việc ở Nhật khác với Việt Nam như thế nào ? Có bạn nói rằng để làm BrSE chỉ cần học tốt tiếng Nhật và làm hoàn toàn ở VN chứ không cần phải qua Nhật để trau dồi, bạn thấy quan điểm này như thế nào ?

Có rất nhiều khác biệt giữa môi trường làm việc ở Nhật so với ở Việt Nam cả về mặt tích cực và mặt tiêu cực (theo đánh giá của em)
Về mặt tích cực
– Đầu tiên là các bạn sẽ sử dụng tiếng Nhật ở mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh dần dần tiếng Nhật sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của bạn.
– Phong cách làm việc của người Nhật luôn chỉn chu, chuyên nghiệp hơn rất nhiều ở Việt Nam. Bạn sẽ được đào tạo làm tất cả mọi việc từ việc nhỏ nhất một cách rất bài bản.
– Người Nhật luôn đề cao thái độ làm việc của các bạn vì vậy điểm đầu tiên quan trọng khi làm việc ở Nhật là bạn luôn phải tỏ thái độ cầu thị và hết mình vì công việc.
– Môi trường điều kiện làm việc xung quanh thường là rất ngăn nắp và khoa học và đầy đủ tiện nghi hơn.
– Cấp trên và đồng nghiệp xung quanh thì hầu hết sẽ rất nhiệt tình giúp đỡ bạn hết sức (thậm chí ngay cả khi có khi bạn bản thân họ cũng chưa chắc biết cách giải quyết) khi bạn gặp khó khăn trong công việc. Tuy nhiên bạn đừng nhầm tưởng là họ thân thiết với bạn họ chỉ là đang thân thiện thôi.
– Ngoài ra còn nhiều điều thú vị nữa mà các bạn có thể trải nghiệm được cả không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống ở Nhật.

Về mặt tiêu cực
– Nhìn chung ngoài công việc trong cuộc sống thì người Nhật thường khá khó gần (đặc biệt là với người nước ngoài Á Đông như Việt Nam) nên thường khó có quan hệ thân thiết ngoài quan hệ công việc.
– Người Nhật coi trọng thái độ với công việc nên từ đó có thể phát sinh ra những tiêu cực hoặc lãng phí không đáng có. Em từng chứng kiến là cả đội không ai dám đứng dậy ra về vì sếp vẫn còn ở lại dù chẳng ai còn việc gì để làm. Hoặc là cuối giờ ở lại làm thêm giờ rất đông nhưng toilet thì lúc nào cũng một hàng dài đứng chờ để được vào đó ngồi khoảng 1 tiếng.
– Nhịp sống ở Nhật tương đối nhanh (ít nhất là trải nghiệm của em là ở Tokyo) và những ngày trong tuần hầu như thời gian chỉ có dành xoay quanh công việc chỉ đến cuối tuần là bạn sẽ mới có thời gian dành cho bạn bè và gia đình nên với bạn nào mà không quen cuộc sống một mình thì sẽ cảm thấy khá buồn tẻ.
– Gần đây các công ty Nhật cũng cởi mở hơn nhiều nên thấy có nhiều thay đổi nhưng như trước đây quan hệ cấp trên, cấp dưới hoặc các mô hình truyền thống rất nặng nề nên thông thường rất ít khi các bạn có để có các ý tưởng đột phá sáng tạo hoặc có đưa ra thì cũng ít khi được tiếp nhận để thay đổi phát triển công ty.

Nhìn chung quan điểm của mỗi người mỗi khác nhưng nếu được khuyên các bạn thì em vẫn khuyên các bạn nên có trải nghiệm sống và làm việc tại Nhật sau đó có thể lựa chọn ở lại hay quay về Việt Nam là tuỳ ở các bạn.
Thứ nhất, khi sống và làm việc tại Nhật sẽ giúp các bạn mở mang, học hỏi được nhiều thứ hơn, hiểu rõ được hơn vì sao Nhật là một cường quốc khi mà tài nguyên thiên nhiên thì ít, thiên tai thì nhiều.
Thứ hai, các bạn cũng sẽ hiểu hơn về văn hoá, thói quen, mong muốn yêu cầu và mức độ thoả mãn của khách hàng cũng sẽ là những thứ quan trọng giúp ích rất nhiều được trong công việc BrSE của các bạn.
Thứ ba, các bạn sẽ có được những dòng chữ thực tế đầy giá trị trong bản CV của mình cái đó có sức nặng hơn rất nhiều lần sự giải thích và cam kết của các bạn.

NPV: Cảm ơn Cừ vì đã đưa ra đánh giá rất khách quan và đầy đủ cả 2 mặt tốt xấu. Vò đầu bứt tai nhưng thật sự là không tìm ra gì để bổ sung thêm cả. Mình chỉ muốn nói thêm một ý là có một số khá đông (cả hung hãn) bạn chê người Nhật không tiếc lời. Đó đều là những nhận xét trong hoàn cảnh của họ thì không sai và có phần thông cảm được, ví dụ như bị lừa hoặc bị hại chẳng hạn. Tuy nhiên có thể do …đen quá nên thế, nhưng chả ai đen mãi được, cứ trải nghiệm dần rồi các bạn sẽ gặp được những người tốt. Lại có những bạn mà nói như mấy teen là “tấm chiếu mới mua” khen lấy khen để. Thường thì họ (người Nhật) che giấu cảm xúc rất tốt, phải tinh ý lắm mới biết ai tốt thật và ai đang giả bộ. Về con người thì là vậy, hơi phức tạp xíu vì người ở đâu chả thế. Nhưng về công việc thì như anh Cừ có chia sẻ ở trên là họ rất chuyên nghiệp, dù thương hay ghét gì cũng làm tròn trách nhiệm và ít bị cảm xúc chi phối.

Câu hỏi 7:
Trong những năm gần đây các công nghệ mới trên thế giới nở rộ và rất được ưa chuộng như BigData, IoT, MachineLearning, Blockchain … nhưng dường như Nhật đang hơi chậm bắt nhịp. Bạn thấy điều này đúng không và tương lai gần trong 5 năm tới nhu cầu outsource những mảng công nghệ mới cao hay thấp?

Bản thân em thì cho rằng không phải Nhật chậm bắt nhịp với các công nghệ trên. IoT đã được người Nhật ứng dụng từ rất sớm trong các lĩnh vực công nghiệp như oto. AI và machine learning thì đã xuất hiện nhiều ở các sản phẩm robot hoặc các ngành công nghiệp kỹ thuật cao.
Các tập đoàn lớn của Nhật và gần đây từ phía các doanh nghiệp nhỏ hơn (từ tập khách hàng của Miichisoft hiện tại) cũng đã có nhiều đầu tư đáng kể vào AI hay blockchain. Một câu chuyện vui là ông tổ người được coi là sáng tạo ra Bitcoin có 1 cái tên rất Nhật là Satoshi Nakamoto (dù cho đến hiện tại người ta vẫn không xác định được chính xác đó là ai) biết đâu lại là một người Nhật chính hiệu ^^.
Tuy nhiên, với các công nghệ trên thì ngoài blockchain là công nghệ mà ở Việt Nam (ít nhất là trong ngành outsource) đang có ít nhiều các công ty có thể tiếp cận và nắm giữ được thì các công nghệ còn lại đều là những công nghệ khó tiếp cận được mà trên hết em nghĩ là do những lý do sau:
1. Các công nghệ trên đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao. Công bằng mà nói nguồn nhân lực IT chất lượng cao ở Việt Nam đang thiếu rất nhiều. Đặc biệt trong mảng offshore nơi luôn đòi hỏi số lượng trước chất lượng. (Đoạn này chắc sẽ có nhiều anh em chửi em là có rất nhiều người giỏi đấy là ông chưa được gặp thôi ^^)
2. Các công nghệ trên sẽ đòi hỏi nhiều knowhow cũng như nhiều thiết bị đi kèm nên các đối tác có knowhouse sẵn sàng chuyển giao cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ và triển khai sang cho bên offshore.
3. Việc đầu tư nghiên cứu để nắm giữ thực sự các công nghệ trên đều đòi hỏi môt mức độ đầu tư tương đối lớn cả về con người và vật chất. Cho đến hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều các doanh nghiệp tổ chức có theo đuổi nhưng với các đơn vị nhỏ (đặc biệt là các công ty offshore khi tiềm lực không quá lớn) thì mức độ đầu tư cho phép thường là manh mún và kết quả đầu ra tương đối là hạn chế hoặc tính ứng dụng không nhiều.
Các công nghệ trên là xu thế tất yếu vì vậy nhu cầu trong tương lai em đánh giá là chỉ có tăng không có giảm nhưng bài toán vẫn là Việt Nam liệu có đủ nhân lực và nguồn lực hay không. Nhưng với các ngành công nghệ cao như trên thì xu hướng khả năng vẫn là hợp tác và chuyển giao công nghệ nhiều hơn là offshore vì đó là công nghệ của tương lai. Còn nếu offshore nào nắm giữ được các công nghệ trên thì em nghĩ sẽ trở thành thế lực lớn trong lĩnh vực của mình . Mà khả năng là nắm được công nghệ đó thì lại chẳng ai đi làm offshore cả ^^

NPV: Vẫn là phong cách trả lời gạch đầu dòng đâu ra đấy, rất rõ ràng mạch lạc đúng chuẩn Coder. Cũng công nhận một điều là nếu nắm vững các công nghệ tân tiến thì chả ai đi outsource làm gì. Trong các phần người ta cần tới offshore thì anh em bà con cố gắng thu lượm càng nhiều càng tốt. Đừng quên mục đích ban đầu outsource, ngoài kiếm cơm ra thì nói vui vui là học lỏm công nghệ. Mình phải xác định rằng nền IT của mình yếu hơn Nhật rất nhiều, có nhiều cái người ta nghiên cứu đi trước thời đại nhưng không show ra vì là tuyệt mật nên người ngoài hay lầm tưởng là họ đi chậm. Bởi vậy nên vừa làm vừa học hết mức có thể để nâng tầm bản thân, dẫn dắt đàn em đi sau.

Câu hỏi 8:
Sau một thời gian sống ở Nhật và hiện bạn về VN. Vậy lý do nào khiến bạn không muốn ở lại Nhật ? và bạn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ chuẩn bị qua Nhật không?

Lý do chính em không muốn ở lại Nhật thì chỉ đơn giản là vì lý do cá nhân thôi. Cuộc sống ở Nhật tiện nghi thoải mái, môi trường sống cũng trong lành dễ chịu. Nhưng em sinh ra và lớn lên ở miền trung từ nhỏ cũng quen với cuộc sống không quá xô bồ với gia đình và bạn bè. Em thích kiểu kết thúc ngày làm việc đơn giản nếu có hứng thì gọi vài người bạn là có thể làm ngay vài ly bia nhanh chóng tán gẫu chút rồi về điều mà ở Nhật nếu k có hẹn có lịch trước và sắp xếp thì gần như không thể có được. Thời điểm đấy em cũng đã có gia đình có thể suy nghĩ hướng đến mang gia đình sang Nhật nhưng vợ em cũng là một người có lối sống tương đối giống em nên như vậy rất thiệt thòi cho vợ vì vậy em chọn là mình sẽ về Việt Nam sống.

Với các bạn trẻ chuẩn bị qua Nhật thì em chỉ có lời khuyên là các bạn cố gắng học tập thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều đặt cho mình một số mục tiêu nhất định cho thời gian ở Nhật và cố gắng đừng lãng phí thời gian để đạt được các mục tiêu đó. Sau cùng khi các bạn cảm thấy tích luỹ đủ rồi thì chắc chắn các bạn có thể tự đưa ra quyết định là ở lại Nhật hay quay về Việt Nam để sống và làm việc.

NPV: Thật ra chuyện về hay ở là chủ đề trước nay chưa bao giờ hết hot cả, đặt biệt là dạo gần đây khi đã có lượng lớn người lao động Việt Nam đã sang Nhật được khoảng thời gian đủ lâu. Và họ băn khoăn giữa 2 ngã đường. Ở Việt Nam vui hơn, cái này không bàn cãi, Nhật tiện nghi hơn, cũng chả sai. Nhưng cái khó của nhiều người là giữa VUI và TIỆN NGHI thì chọn cái nào. Đấy mới là vấn đề. Vậy nên việc trước mắt là đừng quan tâm tới nó nữa, như anh Cừ có nói ở trên tức là các bạn nên trải nghiệm thật nhiều, sau đấy muốn về thì về, chán thì quay lại. Nếu mình có năng lực thật thì ở đâu cũng được chào đón cả. Cuộc đời có mấy chục năm, suy nghĩ chuyện đi ở mất toi nửa đời rồi còn làm được gì, muốn là làm, dứt khoát.

Câu hỏi 9:
Outsource có sự cạnh tranh rất mạnh từ nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Myanma, Bangladesh, đặc biệt là “anh bạn” láng giềng duyên nợ. Với vai trò quản lý bạn có định hướng gì để giúp công ty, và xa hơn là cộng đồng IT Việt tạo ra thế mạnh riêng có thể cạnh tranh sòng phẳng với họ.

Trong kinh doanh thì việc cạnh tranh là không tránh khỏi bất kỳ một lĩnh vực nào khi được chứng minh là có thị trường thì chắc chắn là xuất hiện đối thủ cạnh tranh. Ngành outsource cũng không nằm ngoài qui luật so với cách đây khoảng 6-7 năm thì cạnh tranh tại thời điểm hiện tại đang ngày càng khốc liệt mà việc xuất hiện rất nhiều công ty nhỏ tung cạnh tranh về giá làm sự cạnh tranh ở các công ty vừa và nhỏ càng trở nên căng thẳng. Ngoài ra xu thế về việc làm remote trong thời đại 4.0 và đại dịch như hiện nay càng khiến sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng nhân sự càng trầm trọng. Đó là 2 bài toán mà Miichisoft hiện tại cũng cần phải có định hướng giải quyết của mình.
Hiện tại định hướng xác định tại Miichisoft là
1. Xây dựng chuyển dịch thành công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng. Đặt yếu tố chất lượng lên trên hết và mang lại trải nghiệm hài lòng cho khách hàng về dịch vụ với giá cả hợp lý. Điểm chú ý ở đây là Miichisoft cũng đang đầu tư để package hoá các sản phẩm của mình để cung cấp cho khách hàng được các tư vấn về giải pháp tối ưu qua đó giảm thiểu được thời gian và cả chi phí mà không phải đánh đổi về mặt chất lượng.
2. Thông qua các hoạt động xây dựng, training đào tạo bài bản có định hướng Miichisoft mong muốn xây dựng một môi trường làm việc mà trong đó tất cả mọi người đều có thể happy với công việc của mình. Miichisoft chú trọng vào việc xây dựng các qui trình làm việc chuyên nghiệp, nâng cao năng lực của nhân sự trong lĩnh vực IT qua đó cũng đóng góp vào việc nâng cao mặt bằng chung cho năng lực nhân lực IT của Việt Nam (điểm mà hiện tại đánh giá chung là chúng ta đang thua kém khá nhiều so với Ấn Độ hay Trung Quốc)

NPV: Thực sự rất vui vì câu trả lời. Mỗi chúng ta ai cũng phải có trách nhiệm cải thiện chứ không phải chờ đợi “một ai đó”, ai là ai ? là bạn chứ là ai. Đầu tiên là xác định được tình trạng đúng, trăn trở về nó, tìm giải pháp và tiến hành thử, thất bại, làm lại cho tới khi … hên. Nền giáo dục, văn hóa, xuất phát điểm thường là các đối tượng bị đổ thừa, thật ra mình muốn cái gì thì mình làm chứ sao đổ cho mấy thứ đấy, tội. Muốn nền IT mạnh hơn thì bản thân phải chăm chỉ hơn, chuyên nghiệp hơn, kéo cả đồng đội, đồng nghiệp rồi cả công ty. Ai ai cũng hào hùng vậy thì ít năm nữa có khi … ah mà thôi, không tô màu hồng cánh phấn. Cứ cải thiện dần, cái gì tới tự khắc nó tới.

Câu hỏi 10:
Dạo gần đây mình nhận được rất nhiều lời tâm sự của các bạn NonIT muốn theo nghiệp BrSE. Dù sao xuất thân của bạn cũng là IT nên khó đặt vào hoàn cảnh của các bạn, nhưng trong quá trình làm việc bạn đã từng làm với nhiều kỹ sư xuất thân NonIT, hãy kể về các trường hợp đó cho mọi người nghe để có động lực. Và không thể thiếu, đó là đưa ra lời khuyên cho các bạn NonIT

Quả thực trước đến giờ em gặp rất nhiều bạn NonIT mà theo đuổi nghiệp BrSE thành công cũng có thất bại cũng nhiều (nói thất bại thì hơi quá nhưng các bạn chỉ có thể đạt được đến một mức độ tầm tầm nhất định nên có thể coi là thất bại) với thị trường khát nhân sự như hiện tại thì sắp tới em nghĩ sẽ càng ngày có càng nhiều nữa các bạn theo đuổi nghiệp này.
Nếu nói về thành công thì có 2 trường hợp em khá là ấn tượng và ở cả 2 bạn đều có khá nhiều điểm chung sau:
– Xuất phát các bạn đều có kiến thức về IT là zero nhưng tiếng Nhật đều vào hàng xuất sắc (được khách hàng đánh giá là nếu chỉ nghe voice thôi thì sẽ không biết được không phải là người Nhật)
– Các bạn đều có thời gian sống và làm việc tại Nhật (khoảng 2-3 năm)
– Các bạn đều phải trải qua quá trình “hành xác” là học làm dev. Trong 2 bạn thì có 1 bạn thậm chí còn học được làm dev đến mức đảm nhận được dự án. Bạn còn lại thì dù không hoàn toàn đảm nhận vai trò của dev nhưng nắm và hiểu rõ được: qui trình phát triển phần mềm, các thành phần cấu thành hệ thống, và các thuật ngữ quan trọng trong IT.
Quãng thời gian các bạn dành để đầu tư để hoàn thành cho việc bắt đầu từ con số 0 cho đến khi có thể coi là BrSE vào khoảng 2-3 năm con số mà em thấy tương đối là ấn tượng với một bạn BrSE xuất phát điểm non IT.
Về lời khuyên cho các bạn non IT muốn theo nghiệp BrSE thì em nghĩ cũng không có gì nhiều bất kỳ công việc nào cũng cần đòi hỏi các bạn không ngừng học hỏi và kiên trì theo đuổi, đánh đổi thời gian, công sức và cả tiền bạc. Vì vậy khi các bạn đã muốn làm gì thì hãy tìm hiểu thật kỹ những gì có thể về nó rồi hãy xác định thực sự nó có phù hợp với bản thân mình hay không. Khi các bạn đã xác định gắn bó thì hãy hạ quyết tâm đủ lớn để có thể kiên trì theo đuổi đến cùng hãy cố gắng từng chút một bổ sung những kiến thức cần thiết mình còn thiếu để dần hoàn thiện mình ngày càng tốt hơn. Hãy ghi nhớ là con đường nào đi mãi cũng sẽ đến đích cả.

NPV: Quả thật là với 2-3 năm mà đạt level đấy rất đáng nể. Đúng là đi mãi cũng đến, vấn đề là nhiều bạn vừa đi vừa nhìn ngang liếc dọc qua mấy nhà hàng xóm, áp lực lắm. Đặc biệt là đang ngồi cày code mà bà thím đầu ngõ có đứa con bằng tuổi làm chỗ này chỗ kia lương tháng mấy chục triệu thì … chết nhục. Giỡn chứ nhục thì cũng phải chịu thôi, một chút đó còn không ráng được thì còn mong gì chuyện to tát hơn. Nhưng nói vui chút là “chịu nhục có cơ sở”, tức là như anh Cừ chia sẻ ở trên, phải có lộ trình dựa trên xuất phát điểm và đích đến, có plan và rõ ràng để mà đi cũng như tàu biển hướng ngọn hải đăng vào bờ trong ngày giông bão.

Câu hỏi 11:
Quay lại đối tượng IT, mà cụ thể là Dev. Có một “vấn nạn”, a dùng từ hơi nặng nhưng thực sự phải vậy. Đó là việc các bạn học tiếng Nhật nhưng mãi không nghe nói được, nên sẽ rất khó để làm việc đọc lập với tư các BrSE. Tất nhiên thời gian sẽ giúp các bạn tiến tới level anh em mình bây giờ nhưng có cách nào để các bạn tiến nhanh – chắc và giỏi hơn cả anh em mình hiện tại không ?

Ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật nói riêng theo quan điểm của em là ai cũng có thể học được. Học nhanh hay chậm, bài bản hay không là do cách tiếp cận của các bạn. Với học tiếng Nhật thì theo kinh nghiệm của em các bạn hãy cố gắng đầu tiên là tham gia vào các khoá đào tạo bài bản và chuẩn chỉnh ngay từ đầu việc này giúp các bạn không bị những lỗ hổng về ngôn ngữ mà sau này rất khó để sửa hoặc bù đắp lại. Các bạn hãy học và tự rèn luyện cho đến hết khả năng của mình có thể cái mà em hay nói với các bạn đó là sử dụng hết toàn bộ nội lực của mình có để đạt được đến giới hạn cao nhất của mình có thể đạt được. Khi các bạn bắt đầu cảm thấy mình không thể tiến bộ thêm được nữa bằng nội lực của mình thì hãy tìm mọi cách tìm đến ngoại lực để giúp mình đột phá được giới hạn năng lực của mình.
Trước đây dù có chứng chỉ N2 rồi nhưng bản thân vẫn cảm thấy mình chưa thể trao đổi với khách hàng một cách thoải mái được thì em quyết định là bản thân mình cần phải có thời gian sống ở Nhật để đột phá giới hạn của bản thân mình khi mà cảm thấy với cách học và làm việc hiện tại của mình không thể giúp mình làm được việc đó.
Tóm lại các bạn không thể mong có được một đáp án khác khi các bạn giữ nguyên cách giải bài toán của mình vì vậy hãy thử nhiều cách nhất có thể hoặc tham khảo cách giải từ những người khác nữa để giải quyết được vấn đề của mình. Chúc các bạn thành công.

NPV: Chia sẻ thêm một chút là từ những ngày đầu học tiếng Nhật cho tới hiện tại mình thường dành thời gian để xem phim Nhật, tất nhiên là phim nào nói nhiều ấy, chứ phim ít nói thì không hiệu quả. Vì ngôn ngữ đời sống nó rất khác với ngôn ngữ văn bản, người ta dùng rất nhiều thể ngắn và nối nhiều khối thành một câu, lồng cả phủ định của phủ định … bởi vậy nên phim cũng là 1 cách giúp ta bắt được nhịp để cải thiện trong trường hợp ít có cơ hội giao tiếp người thật việc thật.

Câu hỏi 12:
Đôi điều gửi gắm tới bạn đọc, Cừ muốn nói gì cũng được.

Thị trường nhân sự IT hiện tại của Việt Nam và Nhật Bản là đang thiếu hụt vô cùng trầm trọng, các mức chế độ đãi ngộ dành cho ngành IT đặc biệt là BrSE sẽ khiến nhiều bạn cảm thấy thèm muốn nhưng bất kỳ ngành nghề nào muốn đạt được thành công cũng sẽ cần sự nỗ lực và sự đầu tư nghiêm túc. Các bạn chỉ có thể thực sự làm tốt công việc của mình nếu các bạn có niềm yêu thích với nó vì vậy dù rất mong ngày càng có nhiều anh em cùng tham gia vào lĩnh vực này nâng cao chất lượng và vị thế ngành nhân sự IT của Việt Nam với thị trường Nhật Bản nhưng cũng mong các bạn hãy cân nhắc một cách nghiêm túc trước khi đưa ra quyết định của bản thân mình.
Hi vọng là sẽ có cơ hội được làm việc, giao lưu hoặc trao đổi với tất cả các bạn đã, đang và sắp bước lên con đường làm BrSE.
Đồng thời qua đây em cũng xin gửi lời cảm ơn a Trọng đã cho em cơ hội được chia sẻ một chút kinh nghiệm của bản thân với đông đảo các anh em trong nghề. Hi vọng là ít nhiều có ích cho tất cả mọi người. Xin cảm ơn và chào tạm biệt.

Cảm ơn và chúc Cừ luôn vui vẻ trẻ trung như hồi còn “du lịch”

Kết

Cảm ở Cừ rất nhiều về những chia sẻ tâm huyết. Con đường bạn đã đi qua thật sự không dễ dàng gì, phải đánh đổi rất nhiều, cố gắng rất nhiều. Và trong tương lai cũng xin chúc Cừ cùng anh em Miichisoft vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có xuất phát điểm khác nhau, lối đi cũng không hoàn toàn giống nhau. Nhưng tại những thời điểm nào đó sẽ có sự trùng lặp. Và nếu ai cũng có tâm thế chia sẻ thì hy vọng rằng các bạn trẻ sẽ đọc được và đỡ mất thời gian vì những trả giá không đáng có. Thành công thì không có công thức nhưng thất bại thì có, bởi vậy nên ai cũng cần phải học hỏi hằng ngày. Từ người khác, và chính từ những trải nghiệm của bản thân mình. Cũng đừng vì những lần sẩy chân, những câu chê bai mà nhụt chí, nó cũng giống như vị cay – chua trong tô phở, không có đôi khi mất ngon. Nói nhỏ chứ mình chỉ ăn cơm chứ không thích phở hehe.

Đánh giá bài viết
Nếu thấy hay thì đừng ngại