Search với key “10k brse” trên google sẽ cho các bạn kết quả hầu hết là những lời quảng cáo của nhà tuyển dụng, hay các bài viết được đặt hàng, đâu đó lất phất một vài dòng chia sẻ về cuộc sống thực tế có đôi chút bi quan của người trong cuộc. Gác lại những thông tin ấy qua 1 bên, chúng ta hãy đi sâu phân tích cụ thể để tự mình đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Đây là chuyện nghiêm túc, nên mình sẽ nói hơi kỹ 1 chút.
CON SỐ
300 triệu : Là số tiền bạn bỏ ra để tham gia khóa học này (bao gồm vé máy bay, học phí, tiền nhà, ăn uống… ). Nói là bỏ ra thì hoàn toàn chính xác vì bạn vay thì sau này cũng phải cày bừa để trả lại toàn bộ, giỏi + may thì thời gian hoàn vốn nhanh và ngược lại.
Full link tham khảo ở đây
Số liệu ở link khá chính xác và tin cậy được, riêng tiền ăn tiêu thì hơi ít so với thực tế, 1 tháng 5 triệu thì hợp lý hơn (3 triệu thì ăn thôi chứ ko được nhậu).
1 năm : là số thời gian để bạn hoàn thành khóa học (4 tiết 1 ngày)
Mình từng học 6 tháng từ N4 lên tương đương N2 tại Sài Gòn, nên thời gian 1 năm tại NHẬT là đủ để những bạn đã có N4 lên được N2 (nếu làm thêm ít)
Coder cứng + 300 triệu + 1 năm + niềm tin = BrSE
LO LẮNG
Lo không có việc tại Nhật sau khi tốt nghiệp để rồi gặm cục nợ mấy năm sau mới trả được – là cái lo chung của các bạn đang hoặc có ý định tham gia khóa học này.
Vượt qua vòng phỏng vấn tốt nghiệp để ở lại là chuyện vừa dễ vừa khó tùy người.
- Dễ : đối với người có kỹ thuật tốt (kinh nghiệm dự án 2 năm trở lên chứ không phải 1 năm như quảng cáo) + JP N2 (N2 JLPT chứ không phải “tương đương” N2). Những bạn này thường là top lớp, hàng hiếm rồi nên tỉ lệ ở lại JP là 100%, ngoài ra còn có cơ hội phỏng vấn và làm việc tại các công ty Nhật như Hitachi, Sony … với lương cao (tầm 3000 trở lên)
- Hơi khó : kỹ thuật tốt + level tương đương N2 (chưa có JLPT N2). Với case này thì thì thật ra cơ hội ở lại JP rất cao nên cũng không cần lo lắng nhiều, tập trung nghe nói cho tốt là được.
- Khó : kỹ thuật bình thường (kinh nghiệm dự án dưới 2 năm) + JP N2. Nếu rơi vào trường hợp này thì phải lấy điểm mạnh về JP hay kỹ năng mềm để bù vào vì BrSE cần có đến 3 yếu tố chính như trong bài trước mình đã viết.
- Quá khó : đối với người có kỹ thuật bình thường + JP chưa đạt N2. Đây chính là điều mọi người lo nhất. Nếu rơi vào trường hợp này thì cũng có cách giải quyết là quay về VN làm dự án, trau dồi kinh nghiệm + JP rồi qua lại, mất tầm 1 năm hoặc nếu may mắn có dự án cần gấp thì nhanh hơn. Bên cho vay cũng không ép bạn đi bán thận để trả gấp sau khi học 😀
Những chuyện trong tờ quảng cáo không ghi
Thứ 1 : là việc làm thêm khá nặng và vất vả. 1 ngày vừa học 8 tiếng JP (trên lớp + ở nhà) vs 4 tiếng làm thêm là khá căng, chỉ phù hợp với những bạn có sức khỏe tốt (không cần đến mức như anh Đức con nhà bà Lý), còn bạn nào hay đau ốm thì chấp nhận bỏ 300 triệu đi học, còn làm ít lại chỉ đủ tiền ăn tiêu.
Thứ 2 : trong 1 năm dùi mài kinh sử nên quên đi chuyện tận hưởng cuộc sống ở đất nước văn minh. Vì ngoài thời gian học + làm thêm + ăn ngủ thì chỉ đủ để … đi WC.
Thứ 3 : ngoài chi phí 300 tr trên thì còn thêm 1 khoản nữa là tiền … nhậu giải sầu. Trung bình 1 tuần 7 ngày thì stress mấy ngày rồi nên không tránh khỏi ăn nhậu để tạm quên đi vất vả, nhớ nhà, nhớ vòng tay mẹ – bầu sữa người yêu … nhầm … bầu sữa mẹ – vòng tay người yêu. Thiếu, còn thành viên hội FA thì ngoài giờ học cũng nhậu tâm tình đàm đạo sâu đề tài “chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau” , “làm gì khi đi tắm mà rơi cục xà bông” hay “Cần xem phim gì để luyện phát âm chuẩn Nhật”…
Tổng kết
- 300 triệu + 1 năm = những gì mà bạn đầu tư
- Lương 2000 $ /tháng = những gì mà bạn nhận được sau khi hoàn thành
- 1 năm = số năm để tích lũy kinh nghiệm + JP nếu lỡ may bị về nước
- 6 tháng : là thời gian bạn làm tại Nhật để trả nợ (1 tháng tiết kiệm 20 triệu, 120 triệu là số tiền chênh lêch của 300 tr + 20 tr tiền nhậu giải sầu – 200 tr tiền lương làm thêm trong 1 năm học)
- 1 năm + 6 tháng : là thời gian trả hết nợ trong trường hợp xấu nhất là học xong bị về nước.
Vậy nên hay không ? thường nếu đọc những bài quảng cáo thì chữ NÊN nó to đùng, những bài viết kể khổ thì nhận được lời khuyên ngược lại, còn có mấy người “khuyên” theo kiểu hàn lâm là đưa ra mấy gợi ý chung chung chả có số má gì mà bắt bạn đọc phải tự nghĩ – nghĩ thế éo nào được khi đang bí :D.
Theo mình là NÊN. So với khởi nghiệp có tỉ lệ thành công < 10%, thì cơ hội thành công của khóa học là trên 70% – nó tương đương số liệu thống kê tỉ lệ hoàn vốn của việc đầu tư cho giáo dục. Tình huống xấu nhất là về nước thì cũng chỉ mất 1 năm rưỡi trả nợ là cùng, mà cái chắc chắn 100% mình sẽ có được là tiếng nhật + trải nghiệm – thứ không mua được bằng tiền.
Lời cuối cùng mình muốn kể với các bạn 1 câu chuyện… rất buồn 🙁 . Mình có đứa bạn nối khố chơi thân từ nhỏ, lớp 9 mình lên phố học thì nó bỏ học đi làm ăn. 2 thằng vẫn chơi với nhau – ngồi nhâm nhi mỗi dịp tết đến xuân về, vẫn liên lạc dù ở xa … cho tới 3 năm trước. Nó đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc với món nợ 300 triệu để lại 1 vợ 1 con nheo nhóc, vừa qua được 1 thời gian ngắn thì nó bị tai nạn – bị dây neo tàu biển đập vào sau gáy. Cách đây mấy ngày là ngày giỗ tròn 3 năm của nó. Ở làng chài ven biển của mình, những người đi xuất khẩu lao động như nó rất nhiều, họ chấp nhận trả 300 triệu để đổi lấy cơ hội được đi nước ngoài, kiếm 1 công việc lương tạm ổn nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Cuộc sống là chuỗi dài những sự đánh đổi, nhưng so với tính mạng thì sự đánh đổi tiền bạc + công sức lấy cơ hội đổi đời chỉ là điểu nhỏ nhặt.