Site icon Ký sự BrSE

Phỏng vấn chị Thu Hiền cây đại thụ BrSE – Thợ săn chứng chỉ

Chào mọi người, đợt này dịch hơi căng, anh em bà con nhớ giữ gìn sức khoẻ.
Bài phỏng vấn này mình cũng ấp ủ đã lâu, nhân dịp mùa lá đỏ … không liên quan lắm. Mà kệ đi, mình sẽ thay mặt các bạn để đưa ra thật nhiều câu hỏi cho chị Hiền – BrSE tài hoa, xinh đẹp và đặc biệt là không ngại chia sẻ, giúp đỡ người khác.

Điểm sơ qua một chút về chị :
Kinh nghiệm 15 năm trong nghề IT
Thợ săn chứng chỉ trọn bộ PMP
Admin Group nổi tiếng Tiếng Nhật cho BrSE
“Họa sỹ” – designer
Đồng tác giả phần mềm Monkey Junior (tiếng anh cho trẻ em)

Đếm không xuể..

ú òa ! chào mọi người

Mình vào đề luôn để các bạn khỏi phải chờ đợi.

Câu hỏi 1 : Chào chị Hiền. Chị giới thiệu qua 1 chút về tên-tuổi-quê quán-công việc … cả giới tính 😀 cho bạn đọc được biết nhé.

Mình là Hiền, quê ở Việt Nam 😀 làm việc trong ngành IT đến nay là năm thứ 16 rồi, cũng kinh qua nhiều vị trí như tester, QA, BrSE, PM… và ước mơ sau khi tích đủ kỹ năng, kiến thức sẽ trở thành 1 consultant về IT trong 1 lĩnh vực nào đó như ngân hàng hay chứng khoán hay bảo hiểm chẳng hạn.

Người phỏng vấn (NPV): Đối với anh em BrSE tại Nhật thì chị Hiền là cây đại thụ trong nghề với bộ kỹ năng cũng như chứng chỉ đỉnh của đỉnh. Dùng từ Nữ Tướng BrSE cũng không sai. Đó cũng chính là lý do mình muốn chị chia sẻ thật nhiều trong bài phỏng vấn này không chỉ cho các em đang chập chững mà các bạn BrSE lâu năm kinh nghiệm cũng có thể thu lượm được thêm một chút kiến thức.

Câu hỏi 2 : Trong IT có rất nhiều role, BA, DEV, QA, PM … vậy tại sao chị lại chọn con đường BrSE, do dòng đời đưa đẩy hay cố ý nhắm đến.

Trong suốt 15 năm qua, mình cũng trải qua nhiều vị trí trong dự án, trước đây mình làm BrSE 5 năm nhưng hiện nay role của mình là FrontPM, tức là 1 PM ngồi tại site khách hàng, ở tiền tuyến. Nó hơi khác so với BrSE, FrontPM yêu cầu sự chủ động và tham gia sâu hơn vào các công đoạn khai thác mảng việc mới với khách hàng. Mình chọn công việc này vì nó phát huy các kỹ năng mình đang có như skill tiếng Nhật, kiến thức IT…, và hàng ngày mình được tiếp xúc với nhiều người, cả người Nhật và người Việt nên đi làm rất là vui.

NPV : Trải qua nhiều năm outsource cho thị trường Nhật. Mô hình C-B-O (Client – BrSE – Offshore) có khá nhiều nhược điểm. Mặc dù khắc phục được vấn đề giao tiếp (communication) nhưng về mặt vận hành lộ ra khá nhiều mặt bất cập nếu BrSE không đủ đa năng (giỏi về cả kỹ thuật – tiếng nhật – quản lý). Bởi vậy nên một số công ty đã thay đổi mô hình hướng tới sự chuyên môn hoá nhằm giúp cho các FrontPM/FrontSE biết rõ nghĩa vụ – trách nhiệm – vai trò trong dự án cũng như hướng phát triển lâu dài cho bản thân. Như chị Hiền rất giỏi trong mảng quản lý vậy nên hướng theo BrSE-PM hay còn gọi là FrontPM. Các bạn cũng cần phải xác định cho mình điểm mạnh/yếu để có lựa chọn phù hợp. Không ai giỏi hết mọi thứ, thời gian thì có hạn vậy nên phải đầu tư đúng mới bứt phá được.

Câu hỏi 3 : Em cũng biết là chị đã có một khoảng thời gian dài làm ở VN. Khi kinh nghiệm đủ chín muồi rồi mới qua Nhật với vai trò kỹ sư cầu nối. Kể ra hết mười mấy năm thì khá dài, nhưng nếu được thì nói qua về các cột mốc đáng nhớ, lúc mà chị chuyển mình để thích nghi với vài trò – môi trường mới.

Mỗi lần xê dịch làm mình thêm tươi trẻ

Trong 15 năm mình có 2 lần thay đổi lớn trong công việc: 1 lần khi mới sinh con, mình nghỉ làm tại 1 công ty Nhật có văn phòng tại Hà Nội để vào 1 cơ quan nhà nước. Và lần thứ 2 là rời cơ quan nhà nước đi qua Nhật. Cả 2 lần thì động lực thay đổi đều xuất phát từ con gái nhỏ của mình, khi mới sinh thì mình cần thời gian cho con, cần phải ở nhà thường xuyên hơn nên mình quyết định vào cơ quan nhà nước. Ở lần thứ 2 thì khi đó con gái học xong lớp 1 ở VN, nhận thấy nhiều bất cập trong giáo dục ở trường tiểu học ở VN, mong muốn con có được môi trường học tập tốt hơn và mình đã đưa con qua Nhật. Cả 2 lần mình đều mất khoảng 1 năm mới thực sự hòa nhập được vào môi trường mới.

NPV: Chỉ những ai có con nhỏ mới thấu hiểu được. Tuổi trẻ năng động không vướng bận là lúc chúng ta nên tận dụng để thử – sai – thử lại và hiểu hơn về chính bản thân mình cần gì, muốn gì, mạnh yếu ở đâu. Khi đã có gia đình, con cái, mỗi lần chọn lựa là một lần đắn đo trằn trọc suy nghĩ để không được phép sai, mà dẫu có thì cũng kiểm soát được hậu quả trong khả năng cho phép. Từ đó dẫn tới sự rón rén làm biết bao cơ hội trôi qua. Nhưng may mắn là những lựa chọn của chị đã bước đầu mang lại quả ngọt. Chắc do ông bà ăn ở phúc đức cộng với bản thân chị cũng đã nỗ lực rất rất nhiều.

Câu hỏi 4 : Thực ra bài học thành công thì nhiều, nhưng ít khi chúng ta học được gì từ đó. Ngược lại, những bài học từ sự thất bại mới có ý nghĩa, vì nắm được nguyên nhân cốt lõi thì mới tránh được “sự trả giá không đáng có”. Chị đã từng fail dự án nào chưa ? (ai chả có lần fail 😀 ) ý em là chị kể về những lần fail và nguyên nhân dẫn tới nó để các bạn trẻ hiểu thêm nhé.

Ngay khi mới qua Nhật, mình được giao làm 1 dự án với khách hàng khá khó tính, họ phát triển sản phẩm cho thị trường châu Âu, lúc này mình được phát huy cả kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, là sở trường của mình, tưởng rằng thuận lợi mà cuối cùng dự án đã failed.
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng không thể phủ nhận có một phần lỗi của mình trong sự thất bại đó. Vì mới qua Nhật, còn quá nhiều mối bận tâm, con nhỏ, môi trường mới,… mình đã không chu toàn được công việc và kết cục là làm ảnh hưởng rất nhiều người. Cũng từ dự án đó mình nhận ra nhiều điều và đã thay đổi cách tổ chức sinh hoạt trong gia đình để có thêm thời gian và tâm trí cho công việc.

NPV: Cái khó nhất của một người trưởng thành chính là sự cân bằng. Ai chả muốn con cái khoẻ mạnh giỏi giang, sự nghiệp rực rỡ. Như mình đã nói, thời gian có hạn bởi vậy nên có những thời điểm chỉ có thể chọn 1 trong 2. Về mặt công việc với những thành viên khác thì tất nhiên là cũng có điểm trừ vì BrSE là người chịu trách nhiệm cao nhất trong thành bại của dự án. Chị đã có lựa chọn nghiêng về gia đình, theo em nghĩ đó không hẳn là sai. Vì có những cái sai sửa được nhưng có nhiều cái rất khó, đặc biệt là sự chu toàn dành cho con cái trong những năm đầu đời.

Câu hỏi 5 : Nói về văn hoá giữa các quốc gia, cụ thể ở đây là Nhật – Việt. Tương đồng cũng có mà khác biệt thì còn nhiều hơn. Trong công việc, cũng như cuộc sống thường nhật sẽ có sự va chạm không tránh khỏi. Văn hoá có trong lịch sử, văn học, kiến trúc … và ảnh hưởng lớn tới tính nết cũng như cách làm việc. Ai cũng biết là hiểu về văn hoá mới sống tốt – làm tốt được. Chị là người từng trải, lại sống ở Nhật nhiều năm nên có lời khuyên nào để giúp các bạn trẻ hoà nhập tốt hơn không ạ ?

Cách nhanh nhất để hòa nhập là trải nghiệm

Thực ra việc hòa nhập với xã hội Nhật nó xuất phát từ những chi tiết nhỏ đến không ngờ, mình muốn hỏi các bạn: Bạn có đọc và hiểu hết các biển quảng cáo, biển hiệu thông báo trên đường từ nhà ra ga không? Tới những dịp quan trọng, như ngày của bé gái, ngày của bé trai, ngày cuối năm,… ở Nhật đều có các phong tục, tập quán đặc biệt, bạn đã tìm hiểu tại sao họ làm vậy chưa? Nếu bạn nghĩ để hòa nhập được với môi trường, xã hội Nhật phải cần một trình độ cao siêu thì bạn nên thay đổi suy nghĩ đó, chính những hành động rất nhỏ mà mình nói ở trên là những bước đầu tiên giúp chúng ta hòa nhập thật tự nhiên vào xã hội Nhật.

Lời khuyên tiếp theo của mình là muốn sinh sống và làm việc thuận lợi ở Nhật thì phải học tiếng Nhật. Đừng để tình trạng sống trên nước Nhật 5 năm mà vẫn phải dùng tiếng Anh, vẫn sợ hãi khi phải giao tiếp bằng tiếng Nhật. Ngôn ngữ là cánh cửa duy nhất giúp chúng ta hiểu được văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của họ. Khi học thì đừng mang mình ra so sánh với ai, nhất là với những người đã sinh sống nhiều năm bên Nhật, hãy so sánh với chính mình của ngày hôm qua, chỉ cần mình tiến bộ hơn mình của ngày hôm qua là thành công rồi.

NPV: Công nhận là mọi người hay phức tạp hoá vấn đề thật. Ngay chính bản thân em cũng đã từng nghĩ như vậy, sống một thời gian dài mới nhận ra. Như chị nói, thứ nhất là ngôn ngữ, thứ nhì là phong tục, mà nó cũng chả đâu xa, những thứ gần gũi nhất mà ta gặp hàng ngày. Chỉ cần để tâm 1 chút thì sẽ thấy được nội tình. Khó có một nguồn nào đầy đủ nhưng với mỗi vấn đề mình gặp phải, ví dụ như vì sao Nhật ăn tết dương, trước đây họ từng ăn tết âm không, nếu có thì vì sao họ bỏ và quá trình đó diễn ra bao giờ – như thế nào. Hoà nhập văn hoá trước tiên hãy để tâm hồn mình trong veo như đứa trẻ, học hỏi, thắc mắc đủ thứ và không định kiến. Dần dần sẽ hiểu được.

Câu hỏi 6 : Dạo gần đây em hay bắt gặp câu hỏi từ các bạn sinh viên : các em muốn làm BrSE thì nên học ngôn ngữ gì. Trong lập trình có vô số ngôn ngữ – không đếm xuể. Nhưng ở Nhật một số thứ được gọi là … đồ cổ như Cobol – VB … lại vẫn được ưa dùng, bên cạnh đó các ngôn ngữ thời thượng cũng nổi rần rần. Trong tương lai gần 1 vài năm và xa hơn là 5 năm thì nên học ngôn ngữ gì chị nhỉ. Câu này em hỏi để học chứ ko có bạn sinh viên nào ở đây cả, em bịa ra đấy 😀

Mình có lập ra 1 group với gần 6000 thành viên, các bạn HR thường xuyên post thông tin tuyển dụng thì mình thấy yêu cầu về NNLT đa dạng lắm, đúng là bên cạnh những ngôn ngữ thời thượng như AWS, thì các ngôn ngữ như COBOL, VB… vẫn có nhu cầu cao (khách hàng mình đang làm hiện đang sử dụng cả 2 NNLT này). Hay thậm chí có nhiều tin tuyển dụng ghi yêu cầu ứng viên biết “Bất kì 1 ngôn ngữ hay Framework nào”. Nên theo mình, chỉ cần thành thạo 1 NNLT, ngôn ngữ nào cũng được, bạn sẽ có thể học các ngôn ngữ còn lại trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, mình cũng muốn nói thêm là không nhất thiết phải biết lập trình mới làm được trong dự án IT. Nếu bạn không có đam mê với programming bạn có thể làm các vị trí như BA, tester, QA…thậm chí kể cả đối với BrSE thì công việc lập trình cũng không phải công việc chính trong ngày của họ.

NPV : Nguyên 1 tháng vừa rồi mình nhảy vào chữa cháy cho một dự án. Và điều đặc biệt là trước giờ mình chưa từng code một dòng nào về ngôn ngữ đó, Laravel Mix + Vue3. Trải qua hơn 10 năm nghề, biết bao lần rơi vào tình trạng này, tức là làm cái mình không biết và phải làm được trong thời gian ngắn. Cụ thể là chỉ có 2 ngày để học và sau đó bắt tay vào làm ngay. Cũng vì nền tảng Java Framework (Spring, Struts, Seasar… ) cộng với JS Framework (Knockout, Angular, Jquery) và một mớ hầm bà lằng mấy thứ lặt vặt như html/css/RestFul/Git/IDE VSCode/Eclipse/Enviroment Setting … và cả tham khảo từ mấy đứa em master PHP/Vue mình đã bắt nhịp trong đúng 2 ngày và từ ngày thứ 3 trở đi đã xử lý được từ các bug đơn giản tới phức tạp. Tóm lại là mấy thứ hầm bà lằng phía trên mới mất thời gian chứ không phải ngôn ngữ. Bởi vậy nên đã là SE thì cố gắng master 1 ngôn ngữ, Framework và sau đó khi tiếp cận cái mới các bạn sẽ rất nhanh để nắm bắt được.

Câu hỏi 7 : Ngoài ngôn ngữ ra thì có một thứ sẽ làm tăng value của SE đó chính là chứng chỉ. Em được biết chị có biệt danh là “Thợ săn chứng chỉ” (giống Zoro – Thợ săn hải tặc trong One Piece). Chị cũng đã gần như lấy trọn bộ kỹ năng PM, về cách học – cách thi chị nói sơ cho các bạn biết với nhé.

Một phần nhỏ trong bộ “sưu tập” của chị

Mình học chứng chỉ theo nhu cầu công việc, cảm thấy trong công việc mình còn thiếu skill gì thì sẽ tìm hiểu về chứng chỉ đó. Tất cả các chứng chỉ mình đều tự học chứ không tham gia lớp ôn luyện nào. Khi học thì sẽ liên hệ từng nội dung họ nói trong sách với thực tế những gì mình đã trải qua để nhớ lâu hơn, hiểu sâu hơn. Trong quá trình học thì hay ghi chú lại những điểm quan trọng ra một tờ giấy khổ to, để khi ôn tập mình nhìn lại được tổng thể kiến thức mà không mất công tìm kiếm. Ngoài ra có 1 bí quyết này muốn chia sẻ với các bạn: ở Nhật có 3 kỳ nghỉ dài là Tết Dương lịch, nghỉ Tuần lễ vàng và nghỉ Obon. Thường thì mình sẽ đăng ký thi vào ngày cuối của 3 kỳ nghỉ đó. Vì sau 3 tháng học ôn mỗi chứng chỉ, mình có nguyên 1 tuần cuối (không bị sếp hay khách hàng hay đồng nghiệp làm phiền) dành trọn vẹn thời gian ôn tập thật kỹ trước khi thi.

NPV : Em và rất nhiều bạn trẻ khác cực kỳ nể chị vì tinh thần ham học. Ngoài sự cố gắng sắp xếp thời gian, lịch học-thi ra thì còn là cả một nền tảng kiến thức thu được từ thực tế. Thêm vào đó là kỹ năng học – kỹ năng thi và kèm theo một chút xíu may mắn thì mới gặt hái được thành quả như vậy. Nhưng chung qui lại, bằng cấp cũng sẽ quay lại phục vụ công việc. Vậy nên cốt lõi là phải lấy chứng chỉ cho người ta nể, làm tốt cho người ta phục thì mới trọn vẹn. Em thấy chị là một trong số ít người (em biết) có được cả 2.

Câu hỏi 8 : Cũng liên quan tới chứng chỉ. Chị có thấy sự khác biệt – thay đổi nào về tư duy – công việc – cơ hội thăng tiến giữa trước và sau khi có nó không ạ ? em thì cũng học tùm lum thứ, thi từa lưa mà nói vui là “không có số thi cử” nên không dám chém.

Mình thấy thay đổi nhiều, về nhiều mặt.
Về công việc: Trong mọi quyết định khi mình có một background vững vàng hơn, mình biết phải làm thế nào mới đúng thì sẽ tự tin hơn và quyết đoán hơn, vì thế mọi việc sẽ trôi nhanh hơn. Càng học càng thấy mình thiếu nhiều kỹ năng, nhiều kỹ năng rất cơ bản như logical thinking, critical thinking,… trước đây không có trường lớp nào dạy mình cả, mình hoàn toàn tư duy theo bản năng, hoặc hiểu biết từ việc đọc các kiến thức rời rạc trên mạng. Học chứng chỉ xong thì mình biết làm theo cái đã được các chuyên gia đúc kết từ thực tế nên sẽ CHUẨN hơn.
Về cơ hội thăng tiến thì còn phải hội tụ nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có chứng chỉ là có cơ hội, nhưng quả thực là có nhiều lựa chọn trong công việc hơn. Hiện nay ngoài công việc chính là làm dự án với khách hàng, mình còn tham gia đào tạo nội bộ cho các đồng nghiệp cùng mục tiêu chinh phục các chứng chỉ. Đó cũng là một cơ hội mà các chứng chỉ đã mang lại cho mình.

NPV : Mỗi đề bài, mỗi câu hỏi đều là kết quả từ quá trình thử – sai – sửa của rất rất nhiều con người. Bởi vậy nên dựa trên kiến thức đã sàng lọc kỹ sẽ bù đắp cho người học những thiếu sót. Trải nghiệm của mỗi người và các quyết định theo bản năng (như chị Hiền nói ở trên) giống như nguyên liệu, qua quá trình học – thi giống như được tôi luyện, thép ra lò sẽ cứng hơn – bền hơn và dùng được cho nhiều việc hơn. Nhưng cái quan trọng là phải có nguyên liệu trước đã, bởi vậy có một số kỳ thi, ví dụ như PMP người ta yêu cầu tối thiểu phải có vài năm kinh nghiệm quản lý dự án. Một số bạn học xong – thi pass nhưng không dùng được, nói đâu xa, đó là tấm bằng N2, thi pass nhưng nghe câu được câu mất, nói thì miệng cứng đơ. Lý do là thiếu nguyên liệu.

Câu hỏi 9 : “Con gái làm IT” nó giống như bông hoa cắm trên sỏi đá. Xung quanh các anh em DEV cục mịch – thô thiển (mỗi khi bị bug đè còn bình thường dễ thương thấy ớn). Chị thấy “môi trường” như vậy có hợp với bản thân không, và chị có lời khuyên nào cho các “bông hoa nhỏ” … chuẩn bị cắm trên sỏi.

Ôi không biết các bạn nữ khác thấy thế nào chứ theo mình con gái làm IT thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Trong team thường có ít con gái nên mình hay được ưu ái, được cưng chiều, có gì nhẹ nhàng cũng được ưu tiên làm, nặng nhọc thì anh em gánh. Hay việc trao đổi trong team cũng dễ dàng hơn vì các anh em hay nhường nhịn và luôn luôn nhẹ nhàng với mình. Còn về chuyên môn thì có gì không hiểu anh em hướng dẫn rất cẩn thận, chi tiết, có hỏi thêm những câu ngớ ngẩn cũng vấn được giải đáp nhiệt tình. Còn khó khăn thì cũng có nhưng thường đến từ bản thân chứ không phải từ anh em trong team, khó nhất có lẽ là quản lý thời gian, cân bằng việc nhà và công việc.

Ngoài BrSE/PM, Admin Group, chị còn là một … “họa sỹ”

NPV : Hoá ra làm bông hoa nhỏ cũng có nhiều cái lợi. Đối với phái nữ em thấy có 2 khó khăn lớn. Một là cân bằng công việc – gia đình đặc biệt là các chị em có con nhỏ. Hai là sự thừa nhận, tuy rằng sẽ được ưu ái nhưng không có nghĩa là được nể trọng. Trừ khi bông hoa đấy phải toả hương rực rỡ hơn cả mấy cục đá xung quanh, và phải nỗ lực gấp đôi để vượt qua cả cái khó số một. Bởi vậy cực kỳ nể phục những bạn nữ thành công trong nghành IT. Các em gái nào hiện đang muốn dấn thân thì cứ ping chị Hiền học hỏi và lấy động lực thêm nhé. Sẽ có các khúc mắc mà trong bài phỏng vấn ngắn này không thể chia sẻ hết được.

Câu 10 : Thực trạng thiếu hụt BrSE hiện nay em thấy ngày càng trầm trọng. Cũng có nhiều giải pháp là cho Dev đi học JP, hoặc lấy dân JP cho học code. Theo chị 2 hình thức này như thế nào, cái nào có kết quả tốt hơn. Ngoài ra còn cách gì khác không chị nhỉ ?

Theo mình cả 2 cách trên đều khả thi và kết quả tốt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người học. Hiện nay thì nhiều trường đại học đã đào tạo cả IT và tiếng Nhật từ khi còn là sinh viên, nên càng ngày càng xuất hiện nhiều cao thủ trong làng BrSE. Nếu các bạn có mục tiêu trở thành BrSE từ sớm, có thể đăng ký vào các trường ĐH đó cũng là một lối đi khá thuận lợi.

NPV: Đầu tiên để đánh giá tốt hay không thì chúng ta cần xem lại định nghĩa BrSE. Tuỳ theo mỗi công ty sẽ có các qui định – qui trình riêng về vai trò – công việc cho BrSE, và trong một công ty sẽ có nhiều bộ phận, nhiều dự án, mỗi cái đó cũng sẽ có những đặc thù. Cụ thể là có chỗ cần giỏi JP (N1), có chỗ cần giỏi Code (JP tầm N2- là được), hoặc có khi cần giỏi cả 2 cộng thêm kinh nghiệm quản lý dự án dày dạn. Bởi vậy nên như chị nói, kết quả tốt hay không tuỳ người học. Tựu chung lại, cái đòn bẩy nâng các bạn lên theo mình đó là tính thích nghi. Bất kể bạn đã từng làm gì, xuất phát điểm như thế nào thì khi học – làm cần phải xác định mình đang thiếu điểm gì – mạnh yếu ở đâu để phát huy – bù đắp. Lấy ví dụ đơn giản, một bạn Non-IT khi xác định học khóa BrSE là phải tìm hiểu BrSE (chung) cần những yếu tố gì, trong bộ kỹ năng cứng – mềm đang thiếu-yếu chỗ nào, cái gì khoá học không có, mình học thêm ở đâu … lên lịch trình để học hết. Sau đó đi làm thì bước đầu tiên là phải quan sát, vì đã nắm được cái chung rồi thì giờ đến cái riêng, dự án đó – team đó vận hành như thế nào, mình vào đó làm những gì, trong những việc người ta giao cái gì làm được – cái nào không, ngoài ra có thể làm được những gì người ta chưa giao để đưa suggest. Những cái đó chính là tính thích nghi. Dần dần quen việc các bạn sẽ tự vạch cho mình hướng đi riêng để mang lại kết quả tốt nhất.

Câu 11 : Bonus nhé, thường 1 bài chỉ có 10 câu thôi. Về Group “Tiếng Nhật cho BrSE” hiện là một trong những Group chia sẻ kinh nghiệm cũng như tiếng Nhật chất nhất cho dân IT Việt-Nhật, và các mem toàn siêu hạng. Động lực nào giúp chị có thể dẫn dắt và đóng góp một cách thường xuyên, liên tục như vậy ?

Khi mới qua Nhật cách đây 14 năm, mình đã có N2 nhưng phải nói khả năng communication cực kỳ tệ. Bởi vì cái mình được học là tiếng Nhật trong sách vở, lại không phải chuyên ngành IT, khi gặp tình huống thực tế không biết phản xạ ra sao, và văn nói, văn viết của Nhật khác nhau nhiều quá. Lúc vướng mắc cũng không biết tìm kiếm thông tin ở đâu, không có ai giúp đỡ, vì các anh chị cao thủ đều vô cùng bận. Lúc đó, mình nghĩ nếu có một nơi chia sẻ các câu nói hay được nghe, hay phải nói trong các cuộc hội thoại công việc hàng ngày thì tốt biết mấy. Thế mà 14 năm sau mình mới lập ra được group này với hy vọng nó sẽ giúp cho các bạn mới vào nghề tìm được cái mình cần, nâng cao kỹ năng giao tiếp nhanh hơn mình ngày xưa. Rất may là được các bạn trong nghề ủng hộ chứ group hoàn toàn không có chiêu trò gì để PR.

NPV: Em cũng có group tiếng Nhật IT, những ngày đầu khá sôi nổi và chất lượng nhưng dần dần nhiệt huyết giảm, công việc bận rộn nên số mem vẫn tăng nhưng chất thì đi xuống. Để duy trì thực sự khó khăn, và điều này chỉ có các Admin đã từng tạo dựng group mới thấu hiểu được. Động lực chị tích tụ tới 14 năm hèn gì bung 1 phát toả sáng liền. Rất mong là các member tích cực đống góp và đặc biệt là nhiệt huyết của chị tăng chứ không giảm.

Một số câu hỏi từ bạn đọc, cái này là thật chứ em không bịa 😀

“Em muốn được nghe chị chia sẻ về cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân ạ, vì em biết BrSE rất vất vả. Hiện tại thì gần như em chưa bị vướng bận điều gì nhưng lúc nào cũng có cảm giác thiếu thời gian. Em cảm ơn anh chị nhiều! “

Mình không giỏi trong việc thu xếp thời gian, có những ngày cũng ngập ngụa trong mọi việc đấy. Những ngày đó thì áp lực lắm, và muốn nghỉ hưu luôn ý chứ! Ở Nhật thì không thể nhờ ông bà, hay các cô giúp việc trông con hay làm việc nhà đỡ, nên mình tận dụng công nghệ hiện đại, mua các loại robot, máy móc trợ giúp mình việc nhà để có thêm thời gian cho bản thân và con cái. Ngoài ra thì mình cũng dạy con ngoài việc vệ sinh cá nhân thì còn tự làm các việc trong nhà như thu dọn nhà cửa, nấu 1 bữa cơm đơn giản để khi mình có việc đột xuất ở công ty thì cũng yên tâm hơn. Nhiều bố mẹ hay làm hộ con nhưng theo mình hướng dẫn con tự làm được càng nhiều việc thì càng tốt cho con, cho mình.

“Làm BRSE mà là con gái có bị dev coi thường ko?”

Mình nghĩ coi thường không phải do là con trai hay con gái. Mà cho dù do điều gì thì coi thường là không đúng rồi. Ai chẳng có ưu nhược điểm, ai chẳng có chỗ chưa giỏi thế mới cần lập team để cân bằng lẫn nhau, giỏi hết thì đã làm một mình ăn cả nhỉ.

“Hỏi giúp mình tóc c ấy màu gì rồi ạ 😅”

Tóc mình cũng có 1 vài sợi bạc rồi đó! hihi

Kết

Cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thành và hữu ích. Thay mặt anh chị em bạn đọc gửi tới chị lời chúc năm mới. Mong rằng trong năm nay chị sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn, mẹ khoẻ con ngoan, cân bằng tốt cuộc sống – công việc – xây dựng cộng đồng.

Người giỏi và thành công mình cũng gặp nhiều, biết nhiều. Nam có nữ có. Nhưng vừa giỏi – thành công và có tinh thần chia sẻ thì ít. Cái này có nhiều lý do, có thể là quá bận rộn, hoặc không có hứng, cũng có khi có cả 2 nhưng không biết cách. Nhìn quanh láng giềng như Ấn độ – Trung Quốc, nền IT của họ phát triển rực rỡ một phần nhờ vào đóng góp từ các cá nhân kiệt xuất có tính xây dựng cao. Rất mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ ngày càng chăm nói – chăm viết hơn, vì còn rất nhiều bạn trẻ hơn – ngây ngô hơn đang chờ đợi.

Đánh giá bài viết
Exit mobile version