Site icon Ký sự BrSE

Làm sao để có một bài PR – 自己紹介 tốt

自己紹介

Trả bài cho các bạn nè, mấy hôm đòi quá trời làm ngủ không yên giấc. Nói điêu thôi chứ jishin 4 độ rít te mà ngủ quên trời đất.

Vào đề luôn. Đầu tiên các bạn hãy search trên google cả tiếng Việt lẫn Nhật về 自己紹介 sẽ thấy có CỰC KỲ nhiều bài viết hay. Nhưng hay là hay với người ta còn có hợp với mình thì là chuyện khác. Có 2 ý mình muốn gửi gắm :
① Các chú ý trong một bài PR
② Bố cục của bài PR tốt

Thứ 1: các chú ý

◆Thời lượng :
Tuỳ vào bối cảnh. Mình chia là 2 loại là ngắn và dài : Nếu là giới thiệu nhân viên mới, chào nhau trong team thì chỉ cần giới thiệu ngắn tối đa 1 phút. Còn phỏng vấn khách hàng để đi onsite hoặc phỏng vấn xin việc thì xếp vào loại dài 3-4 phút. Và tuyệt đối các bạn không được nói ít hoặc nhiều hơn thời gian trên.

◆Nội dung :
Đối với PR ngắn chỉ cần giới thiệu tên tuổi – công ty, vị trí đang làm và có thể đá qua một chút về mục đích của việc chào hỏi này : “Hôm nay tôi tới đây để gia nhập vào team phát triển web JAVa vì đã có kinh nghiệm 3 năm trong mảng này”. Sau đó là mong mọi người giúp đỡ – họ có giúp không là việc của họ nhưng cứ khách sáo vậy cho đúng mana.
Đối với PR dài thì chia làm 2 : 1 là phỏng vấn onsite, 2 là phỏng vấn xin việc. Vì sao mình chia làm 2 là có lý do. Đầu tiên phải xuất phát từ mục đích nhận người : Nhận vào onsite dự án thì người ta chỉ quan tâm anh/chị có đủ năng lực làm trong phạm vi project này hay không, còn nhận làm nhân viên thì còn nhiều yếu tố khác trong đó có một thứ quan trọng là “tiềm năng” tức không chỉ cần phải làm được việc mà còn đánh giá ứng viên có chí cầu tiến hay không.

◆Phong thái :
Tự tin, phải thật tự tin nhưng đừng thái quá. Tức là cái gì biết thì nói là biết, không thì bảo là sẽ tìm hiểu vì mình có sức khoẻ – tuổi trẻ, chưa giỏi thì học. Đừng tự ti vì những gì mình không biết. Nhiều bạn hay lấy lý do : “đến mấy cái cơ bản mà tới tuổi này còn chưa rành, xấu hổ”. Chả ai toàn diện cả, vì ngay cả cái người phỏng vấn mình họ chỉ hỏi những gì họ giỏi, nếu may mắn mình biết những cái họ đang quan tâm còn nếu không thì cũng chả có việc gì phải mất tự tin. Nhưng đừng thái quá, ví dụ chưa lead team lần nào, trước giờ chỉ có ngồi code với báo cáo thì đừng dại mà bảo : team 50 người không thành vấn đề, em quản được ! Lấy gì đảm bảo. Họ sẽ mất niềm tin ngay. Thay vì vậy thì nên nói là : mặc dù chưa lead team bao giờ nhưng em nghĩ nếu bắt đầu từ việc quản những team nhỏ 5-7 người rồi học hỏi dần thì năng lực sẽ ngày càng mạnh hơn, vì trong quá trình ngồi code cũng đã quan sát các anh PM – Manager để học hỏi về kỹ năng quản lý task – resource – tiến độ – báo cáo.

Thứ 2: về bố cục

◆PR ngắn : Trong thời gian TỐI ĐA 1 phút bao gồm

①Tên tuổi : 私はAと申します。25際です。Nếu là bạn nữ thì không nhất thiết phải khai tuổi.

②Nơi đến :
Tuỳ vào bối cảnh mà có thể giới thiệu là từ Việt Nam (Nếu lần đầu qua nhật vào team gặp gỡ chào mọi người), Từ công ty X-bộ phận Y.

③Mục đích – khoảng thời gian: Tới để join team hoặc để làm gì đó trong thời gian 1 tháng – 1 năm…, nếu không chắc chắn thì có thể nói là đại khái くらい,長期,短期。。。で参加致します。

④Sơ lược kinh nghiệm liên quan đến phần việc sắp tới : ví dụ nếu tham gia team phát triển web Angular thì mình có thể giới thiệu sơ đã có 2 năm phát triển mảng này (không cần nói sâu hơn), nếu không có thì chỉ cần nói là đã tìm hiểu về kỹ thuật trước khi đến đây nhưng kinh nghiệm còn non nên mong mọi người chỉ bảo thêm (khiêm tốn cho người ta thương).

⑤Kết : Mong mọi người giúp đỡ.

Trong 1 phút thôi nhé, dài quá người ta nghe mệt vì mục đích chào hỏi chứ không phải để phỏng vấn thẩm định. Nhưng chừng ấy nội dung mà chỉ nói trong 1p liệu có kịp không ? đảm bảo kịp. Bằng cách viết ra và luyện, ban đầu có thể mất 3-4 phút, vấp lia lịa nhưng nói tầm vài chục lần là quen. Mình thử cả trăm lần rồi, đảm bảo kịp, các bạn cứ tạm tin và làm theo xem.

◆PR dài : Phỏng vấn vào dự án (onsite), trong thời gian 3-4 phút.

①Tên tuổi : như PR ngắn

②Nơi đến : như trên

③Lời cảm ơn và vào đề : 今日面談(面接)時間を頂いた誠にありがとうございます。簡単に自己紹介させて頂きたいと思います。

④Nhắc lại nội dung dự án : như thông tin đã được phía các bác cung cấp thì đợt dự án lần này làm về ngôn ngữ A – Framework B, nhằm mục đích phát triển hệ thống X.

⑤PR khả năng : đoạn này mới là phần chính. Phải tập trung vào phần nội dung dự án và vai trò của mình trong đó. Các bạn chú ý vai trò nhé, nếu phỏng vấn apply vị trí SE thì phải PR sâu kỹ thuật còn BrSE thì PR thêm cả kỹ năng design, requirement define, offshore team management.
Ví dụ :
+ Về kỹ thuật : trong 5 năm công tác tôi đã từng làm hơn 10 (phải có con số cụ thể, đừng nói là 色々な、たくさん nó rất tối nghĩa cho mục đích PR) dự án về các mảng việc và ngôn ngữ khác nhau (nói rộng ra để PR mình biết nhiều). Trong đó có 1 năm đã tham gia dự án phát triển hệ thống Y bằng ngôn ngữ A và FW B (mapping với yêu cầu khách đưa, họ bắt đầu yên tâm rồi đó) với nhiệm vụ là phân tích yêu cầu, đọc hiểu design và coding.
+ Về kinh nghiệm quản lý : Trong 5 năm làm việc thì có 2 năm đầu là Developer, sau đấy là Dev lead/Team lead 1 năm và 2 năm còn lại tôi làm với vai trò PM/BrSE.

⑥Nhấn mạnh : Vậy nên với yêu cầu mà các bác đã đưa ra tôi có thể gánh vác được.

⑦Kết : Mong mọi người giúp đỡ.

◆PR dài : Phỏng vấn xin việc, trong thời gian 4-5 phút.

①Tên tuổi : như PR ngắn

②Nơi đến : như trên

③Lời cảm ơn và vào đề : như phần PR onsite

④Nhắc lại nội dung JD (job detail) : Như thông tin tuyển dụng là các bạn đang cần BrSE tiếng Nhật N2, có trên 3 năm kinh nghiệm với vai trò kỹ sư cầu nối và biết ngôn ngữ X Framework Y.

⑤PR khả năng : Bao gồm 2 phần.
Phần 1 là xác nhận lại xem mình có mapping với nội dung tuyển dụng hay không.
Ví dụ : Tôi đã có N2 vào năm ngoái và vẫn đang học tiếng Nhật hàng ngày, trình độ hiện tại tiệm cận N1, có khả năng nghe – nói – đọc viết ở mức lưu loát. Về kinh nghiệm, mặc dù chỉ với 2 năm kinh nghiệm BrSE so hơn yêu cầu là 3 năm nhưng những đầu việc thuộc trách nhiệm của BrSE như : tìm hiểu nghiệp vụ, coding pilot sản phẩm, design và quản lý team offshore tôi đều làm được.
Còn về yêu cầu là biết Angular JS thì tôi chưa có kinh nghiệm nhưng đã có khoảng 6 tháng làm việc với các JS Framework khác như Node JS, JQuery … (Tức là đưa ra các lý do để thuyết phục nhà tuyển dụng là dù không có knowhow về phần đó nhưng mình biết những cái tương tự, còn nếu không biết gì luôn thì nói là mình có khả năng tự học nhanh)

Phần 2 : Những kỹ năng ngoài JD không mô tả. Trong trường hợp JD mô tả sơ sài thì mình bỏ qua phần 1 mà tập trung phần này.
Ví dụ :
Về kỹ thuật : Ngoài ngôn ngữ X Framework Y ra thì tôi đã có 5 năm kinh nghiệm, 3 năm với vai trò Developer và 2 năm BrSE/PM. Trải qua 5 dự án với các ngôn ngữ là …, FW … Ngoài ra tôi cũng thường xuyên cập nhật các công nghệ mới như AWS – Outsystem – RPA, dù chưa có cơ hội ứng dụng thực tế nhưng nếu được thử sức thì sẽ tiếp cận nhanh vì đã nắm được các kiến thức cơ bản.
Về kỹ năng cứng khác : Ngoài Coding thì những phần việc trong qui trình phần mềm từ phân tích yêu cầu, tạo tài liệu nghiệp vụ, basic design, detail design, create-review testcase, bảo trì sản phẩm tôi đều đã làm.

Về kỹ năng quản lý : Tôi đã có kinh nghiệm lead team với size từ nhỏ tới lớn, lớn nhất là team 30 người trong thời gian 6 tháng. Vậy nên tôi biết cách để tạo tài liệu kickoff, KPT, define rule redmine-backlog, luồng Q&A, Project Closing và vận hành sao cho hiệu quả.
Về kỹ năng mềm : Tôi có kỹ năng bốc phét … Giỡn, kỹ năng tự học, giải quyết vấn đề, giao tiếp, đàm phán và đặc biệt là làm việc nhóm. Nếu nhà tuyển dụng có hỏi sâu về thế nào là kỹ năng mềm thì các bạn đọc lại loạt bài 7 kỹ năng mình đã viết trên blog.

⑥PR tính cách : là người như thế nào thì nói như vậy.

⑦Nói 1 chút về sở thích (ngắn gọn thôi) : thích âm nhạc – đặc biệt là thổi kèn, ghita … ngày rảnh thường lang thang nhặt lá đá ống bơ, tối về nằm mơ vừa cười vừa hát. Giỡn chứ thích gì nói đó, vì nó cũng là một khía cạnh để giúp người ta nhìn nhận thật hơn con người mình.

⑧Kết : Đừng quên cảm ơn và mong được nâng đỡ … ah giúp đỡ.

Kết

Bản thân đã từng va vấp trong khá nhiều lần 自己紹介, nhưng lần sau mình luôn làm tốt hơn lần trước. Mặc dù việc ngồi soi xét lại đã sai ở đâu thực sự khó chịu. Chả ai muốn nhận mình sai cả, thường thì đổ cho người khác mang lại cảm giác dễ chịu hơn nhiều như việc chửi bọn phỏng vấn ngu, không nhìn thấy khả năng tiềm ẩn. Ũa, ẩn thì mình moi móc nó ra chứ sao bắt người ta “phải nhìn thấy”. PR không phải bốc phét, 1 nói lên 10 mà chỉ cần moi ra hết kỹ năng – kinh nghiêm một cách lưu loát và có trật tự. Lưu loát thì có thể thông qua luyện tập nhưng cái mình muốn nhấn mạnh ở đây là có trật tự, lý do có 2 : mình dễ nói – dễ nhớ, người nghe cũng vậy. Thông qua cách nói họ biết mình là người có đầu óc sắp xếp hay không. Ngay một bản 自己紹介 ngắn vậy mà còn không sắp xếp được thì sao quản được cả Project triệu đô ? Vậy nên trước mỗi lần phỏng vấn mình luôn dành thời gian để type ra những gì sắp nói – xếp câu cú bố cục cho ngăn nắp rồi luyện cho tới khi nhuyễn mới thôi, có khi nói cả trăm lần. Đầu xuôi đuôi lọt, PR rành mạch thì sẽ tạo ấn tượng tốt và mọi thứ về sau thuận lợi hơn. Mong rằng các ban sắp phỏng vấn dự án hay xin việc sẽ chuẩn bị chu đáo và gặp nhiều may mắn.

Đánh giá bài viết
Exit mobile version