Dạo gần đây mình hay nhận được nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên và một số bạn trẻ đang theo nghề lập trình. Nội dung xoay quanh chuyện cơm áo. Vì thấy nó rất chính đáng nên mình mới viết bài này để giải đáp thắc mắc. Trên thực tế, sau khi ra trường đi làm thì ai cũng vậy, theo đuổi đam mê là một chuyện nhưng ít ra phải đủ ăn. Đi làm vài năm dành dụm chút tiền, chưa tính đến chuyện phụng dưỡng cha mẹ nhưng chí ít cũng phải đủ cưới vợ.
Mình vẫn còn nhớ như in hồi 2012, mới bập bẹ bước vào nghề BrSE thì cũng là thời điểm lên xe bông. Vì chưa tích cóp được gì nhiều nên ngửa tay xin ông anh trai. Cũng may anh mình lúc đó còn đang độc thân, đi xkld Hàn nên có dư được chút. Nghĩ lại thì hơi kỳ kỳ, các bạn đừng có vậy nghen, tự thân tự lực vẫn tốt hơn “gọi trợ giúp” người thân.
Quay lại chủ đề chính, xu hướng gia công phần mềm cho Nhật. Những ai đang hoặc có ý định học tiếng Nhật thì đây là bài viết đáng để các bạn bỏ 5 phút ra nghiền ngẫm.Lịch sử gia công phần mềm
Thời điểm những năm 80-90 Các doanh Nghiệp của Nhật như Hitachi, Fujitsu, Toshiba, NEC, Sony … đều có bộ phận Software riêng. Họ tự xây dựng hệ thống thông tin cho mình. Sau này đến khoảng đầu 2000 trở đi thì xu hướng khoán ngoài (outsource) mới bắt đầu nở rộ. Lý do chính là Nhật vào thời kỳ này đã qua thời hoàng kim, các doanh nghiệp không còn giữ mức lợi nhuận khủng bố để nuôi bộ máy IT riêng. Họ buộc phải giữ lại những nhân sự chủ chốt chỉ để nghiên cứu giải pháp. Phần việc triển khai thì có 2 hướng. Đối với các dự án liên quan tính bảo mật cao, quyết định thành bại của tập đoàn thì thông thường sẽ do nội bộ làm từ A->Z. Hoặc có thể thuê các công ty uy tín trong nước để đảm bảo an toàn, không bị rò rỉ tài liệu hay ý tưởng. Còn những việc khác sẽ khoán ngoài mà chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc. Điều này nhằm mục đích tiết kiệm chi phí tối đa, đồng thời mang lại hiệu quả cao.
Thời gian đầu thì Ấn độ là mạnh nhất, sau đấy Trung Quốc mới nhảy vào và dần chứng minh được tuyệt chiêu “lấy thịt đè người”. Đến giữa những năm 2000 thì Trung Quốc vượt lên thành đối tác số 1, thời điểm này Việt Nam mới manh nha nhúng tay vào. Bạn sẽ khá bất ngờ khi 1 người Ấn hay Việt lấy N2 trong vòng 1 năm, nhưng với dân Tàu thì chuyện N2 trong 6 tháng không có gì ghê ghớm. Bởi vậy có những dự án yêu cầu vài nghìn người N2-N3 thì các doanh nghiệp ở Đại Liên, Thượng Hải hay Thiên Tân đều có thể chiến được.
Những năm 2010 thì bắt đầu xu hướng dịch chuyển từ TQ sang các nước đông nam á trong đó Việt Nam được ưu tiên. Ngoài Việt ra còn có Myanma, Thái, Phi, Bangladesh. Nhưng các bác JP vẫn like dân ta, 1 phần vì rẻ, 2 là dễ bảo, thứ 3 code trâu. Còn về lý do dịch chuyển này nói ra đây hơi dài dòng, hẹn 1 bài khác vậy.
Thị trường gia công phần mềm Nhật hiện nay
Vì tính tiết kiệm cộng với hiệu quả nên thì trường outsource vẫn phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Các công ty liên tục mọc lên như nấm sau mưa. Có rất nhiều BrSE mà mình biết sau vài năm chinh chiến đã ra lập công ty riêng và khá thành công. Các bạn tham khảo danh sách Outsource Company List bên dưới.
http://www.offshore-kaihatsu.com/company_list/
Mình sẽ cắt nghĩa một chút vì sao lại tiết kiệm, vì sao lại hiệu quả. Về chi phí, nếu nuôi bộ phận IT đông người thì việc trả lương thưởng sẽ ngốn kha khá, trung bình 1 người tầm 50 man (~100 triệu)/tháng, 1000 người thì … nhiều quá tính không nổi. Chưa kể cơ chế tuyển dụng trọn đời ở Nhật, tức là chỉ có tuyển chứ hiếm khi sa thải, nghĩa là nuôi cả đời. Trong khi outsource thì hết dự án là thôi, trả 1 cục tiền lấy sản phẩm cái rẹc … xong.
Còn về tính hiệu quả, người chưa làm với Nhật nhiều mà chỉ “nghe nói” thường hay thần thánh hoá kỹ sư JP. Thực ra họ có các kỹ sư rất giỏi, rất sáng tạo nhưng tỉ lệ chỉ chiếm phần nhỏ. Hầu hết các kỹ sư IT đều ở mức biết việc, cẩn thận tỉ mỉ chứ rất yếu khoản học cái mới. Vậy nên đối với các dự án công nghệ tiên tiến thường họ chỉ nghiên cứu giải pháp, còn việc coding giao cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hiệu quả hơn. Dân IT của nước mình kỹ thuật được đánh giá khá cao, chỉ thua Ấn vs Trung chút xíu.
Xu hướng tương lai (5-10 năm nữa)
Có 3 xu hướng chính :
- Tuyển người giỏi vào làm SE. Hiện có nhiều công ty như Rakuten, Line (chat), Microsoft JP, Recruit jp… hay tuyển kỹ sư chất lượng cao từ các nước khác. Yêu cầu là giỏi tiếng Anh/Nhật và kỹ thuật đỉnh. Profile họ sẽ refer từ nhiều nguồn, trong đó có Github hay các dự án mã nguồn mở. Ngoài ra sẽ test lúc phỏng vấn qua Skype.
- Tiếp tục khoán ngoài các dự án phần mềm. Những công ty IT liên doanh Việt Nhật hoặc VN mà làm chuyên cho thị trường Nhật sẽ tiếp tục mở rộng. Hiện tại theo ước tính thì số lượng nhân viên mảng JP đang khoảng trên dưới 20 ngàn người và sẽ tiếp tục tăng.
- Mua bán – sát nhập : Ngoài việc tự mở các chi nhánh tại Việt Nam thì các công ty JP để tránh rủi ro sẽ bỏ tiền ra mua đứt luôn các công ty đang hoạt động. Như vậy sẽ đỡ mất công xây dựng, tránh được các sự cố không đáng có hoặc khó khăn trong việc hoà nhập văn hoá. Vì thông thường sau khi mua/sát nhập, bộ máy cũ hầu như giữ nguyên. Vẫn hoạt động trên nguyên tắc mẹ con nhưng việc điều hành hoạt động vẫn theo tập quán như trước và chỉ thay đổi về mặt chiến lược.
Kết
Các bạn đang theo mảng JP hoặc sắp sửa học tiếng Nhật đọc xong hy vọng là đỡ hoang mang. Thêm 1 yếu tố nữa mà các bạn sẽ yên tâm là dân số Nhật hiện đang già dần. Số liệu dự đoán trong vài chục năm nữa sẽ giảm kinh khủng. Các tập đoàn lớn dày công gây dựng lên nên không dễ gì họ để suy yếu chỉ vì thiếu nhân lực trong nước.
Ngày nay các bác đều có xu hướng toàn cầu hoá. Không chỉ là trong việc kinh doanh mà ngay cả nhân sự cũng vậy. Chuyện cán bộ cấp cao họ có tỉ lệ ngầm 20 – 50 % buộc phải là người nước ngoài. Cái này hơi xa vời so với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình. Còn riêng chuyện dev thì hiện tại ngồi quanh mình không ít người Trung Quốc, Myanma, Bangladesh, Ấn độ.
Thêm cái cuối cùng, nghành công nghiệp phim *** của Nhật thì khỏi nói rồi, nên lỡ học JP mà không dùng được cho công việc thì chí ít là xem phim không cần sub 😀 . Mấy đoạn hội thoại đầu phim cũng hay và “nhân bản” lắm.