Cách đây 1 năm mình có về công tác ở Đà Nẵng, hôm đầu đi làm về có ghé BigC mua ít đồ cá nhân, vì nghĩ chắc cũng nhanh thôi nên hẹn 2 anh khách hàng 15p nữa gặp nhau rồi đi ăn. Người Nhật thì nổi tiếng là đúng giờ nên mình không muốn thất tín, chạy hùng hục, ngờ đâu lúc lên cầu thang cuốn thì bị ngăn luôn ở đấy, mua đồ xong chạy thục mạng xuống lại bị ngăn phát nữa bởi dòng người mà không cách nào chen qua được. Tất cả cũng chỉ vì văn hóa thang cuốn.
Nguyên tắc đi thang cuốn ở Nhật
Tùy mỗi vùng sẽ có luật (bất thành văn) khác nhau như kansai thì đứng phải – đi trái, kanto thì đứng trái – đi phải. Nhưng cái chung là ai muốn thư thái đứng lại để thang nó cuốn từ từ lên thì đứng 1 bên, bên còn lại luôn để trống 1 đường thẳng tắp để ai gấp có thể bước cho nhanh.
Người Nhật có những thứ luật họ tuân thủ tới mức “cực đoan”, ý thức “không làm phiền người khác” nó len lỏi vào mọi mặt đời sống cũng như công việc, và cái nhỏ như đi thang cuốn thôi cũng có luật. Nhưng dù là nhỏ nhỏ chứ nó tiết kiệm thời gian cho cộng đồng rất lớn, 1 người 1 ngày tiết kiệm 15 phút thì tổng lại cả cộng đồng 100 triệu người mỗi ngày là … số to quá tính ko nổi, tương đương với 1 công ty 1 vạn người (cỡ tập đoàn FPT là 1 vạn rưỡi, Google là 6 vạn) làm việc trong 1 năm rưỡi.
Mình không ước mơ gì cho cao xa, chỉ mong ở trong nước mình tại các tòa nhà có sự dụng thang cuốn như các khu mua sắm, đặt cái bảng luật lệ “Đứng bên phải – đi bên trái” để cho những người gấp việc có thể đi nhanh hơn. Có thể 1 năm – 2 năm đầu sẽ ít người tuân theo, nhưng cái mà đập vào mắt mấy đứa nhỏ nó sẽ thắc mắc, rồi người lớn cũng sẽ dần dần thấy ngại mà tuân thủ. Văn hóa cộng đồng thay đổi từ những cái đơn giản, nhỏ nhặt như đổ rác vào thùng – nói khẽ nơi công cộng – đi đứng thang cuốn – đóng kín cửa khi hát karaoke ở khu chung cư … thì mới bền vững được.