Làm việc với vai trò của BrSE là người trung gian thực sự không phải việc đơn giản, vì 1 quyết định đưa ra sẽ có ảnh hưởng đến cả nhiều phía. Dưới đây là 1 số tình huống dở khóc dở cười mà mình đã từng gặp phải.
Khi phát hiện ra hệ thống cần có thêm chức năng abc, nếu nói cho khách hàng biết thì offshore sẽ nổi khùng vì phải overtime, mà không nói thì khách hàng cũng không biết, vậy nên nói không ?
Khi khách hàng không chấp nhận estimate vì các bác nghĩ quá cao, còn nếu giảm xuống thì bên phía nhà mình cho rằng quá thấp, thì phải làm thế nào ?
Khi khách hàng yêu cầu điều tra 1 lỗi hệ thống mà phần này mình chưa từng làm bao giờ, từ chối thì sẽ bị đánh giá thấp, mà nhận nếu làm không được thì gay go nữa ? vậy phải làm sao ?
Để trở thành 1 BrSE tốt thì trong quá trình làm việc hay mỗi lần đưa ra quyết định phải dựa trên nhiều nguyên tắc. Quyết định thì có thể đúng hoặc sai, nhưng 1 khi đã làm thì hãy dứt khoát, có sai thì mới có đúng – có dở thì sau này mới hay được.Có 3 nguyên tắc chính mà bản thân mình cho là quan trọng nhất.
Mình sẽ đưa dẫn chứng cụ thể để giải thích, mời các bạn cùng tham khảo nhé.
Nguyên tắc 1 : Nhìn sự việc trên view khách hàng
Tại sao lại vậy ? đơn giản “khách hàng là thượng đế”, còn nếu bạn muốn làm thượng đế thì … cái này mình bó tay thật.
Các cụ có câu (các cậu có …) “Thương nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười” – cái ni là mạ miềng (mẹ mình) dạy. Khi mà các bác khách hàng thương mình rồi mọi việc sau này nó dễ dàng vô cùng, làm đúng thì bị khen lấy khen để, mà sai nhỏ nhỏ thì cũng … xí xóa cho qua. Để các bác ấy thương thì phải chiều, chiều sao cho đúng ? thì đơn giản là nhìn mọi việc trên view khách hàng sẽ hiểu ra được những mong muốn sâu xa mà các bác ko nói, hoặc đôi khi chưa nghĩ ra để nói.
Dạo trước, có lần mình phát hiện ra 1 lỗi khá to trong FW của khách hàng (FW này phát triển dựa trên Struts và Spring), lúc này cực kỳ khó xử vì nếu sửa 1 phát thì sẽ phải test lại toàn bộ, anh em offshore Over Time vỡ mật luôn. Mình quyết định nói nhưng kèm theo điều kiện là xin cho mọi người nghỉ vài ngày xả hơi sau khi xong cái ấy. Kết quả là giai đoạn đó tuy căng thẳng nhưng đổi lại từ đó về sau FW chạy rất mượt mà, khách hàng hài lòng còn anh em ở nhà cũng thoải mái hơn rất nhiều.
Đứng về phía khách hàng nhưng cũng phải nghĩ cho bên mình sao cho hài hòa
Nguyên tắc 2 : Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng
Đối với người Nhật, họ luôn chỉn chu trong mọi quyết định, thường sẽ họp hành bàn bạc rất kỹ lưỡng, làm gì cũng có lý do hết. Nên nói họ sai thì rất hiếm khi, nhưng có hoàn toàn hợp lý chưa thì chưa chắc. Hãy luôn đặt ra nghi vấn với yêu cầu. Tại sao họ là yêu cầu làm vậy ? có cách nào hay hơn không ?
Cách đây 3 năm, trong 1 dự án mà các bác giao cho team BrSE mình làm từ design (basic + detail) đến test nghiệm thu. Thì ở giai đoạn design các bác muốn tụi mình làm = WORD. Thiệt sự mình cực kỳ ghét làm với word mà chỉ thích exel, 2 anh trong team cũng vậy vì nó rất khó format, bể tùm lum, ko thích hợp để làm design với đặc thù dự án lúc đó. Rất may là dự án trước đó mình cũng từng dùng word để làm rồi nên hiểu được những khó khăn khi phải chỉnh sửa nhiều, khi mình kể chuyện này cho các bác ấy nghe thì được chấp nhận chuyển đổi yêu cầu. Và sau này viết thêm mấy cái tool macro (word thì bótay) Gen tài liệu nữa nên năng suất vù vù mới thấy quyết định đó quá đúng đắn.
Nguyên tắc 3 : Không nhất thiết phải nói thật nhưng tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC NÓI DỐI
Đây là kinh nghiệm mình được 1 anh senpai truyền lại, trải nghiệm và thấy nó rất cần thiết. Người Nhật ghét nhất 2 thứ : ăn cắp và dối trá. Dân tộc Nhật, nền kinh tết Nhật dựa trên niềm tin, làm giàu bằng niềm tin từ khách hàng nên dối trá đối với họ là cái gì đó rất kinh khủng.
Khi khách hàng hỏi “tiến độ coding đến đâu rồi mậy”, còn 1 tuần nữa release mà đang cháy bùng bùng, cái module to nhất thì chú dev phụ trách lại nghỉ phép giữa chừng vì cô người yêu bị … sổ mũi. Tình hình có vẻ căng ! trả lời sao đây ?
“dạ bác ok lắm ah” – vừa nói xong bỗng nhận được mail xin dời deadline của PM bên offshore => vỡ mặt.
“Dạ Function xxxOzawa do chú Kim phụ trách nhưng chú ấy xin nghỉ phép rồi ah, chắc là sẽ bị trễ … vài ngày” => vỡ đầu.
Lúc này tốt nhất là xin trả lời sau, trước mắt phải bàn bạc cụ thể với PM để bàn đối sách giải quyết, đưa ra giả thuyết cho trường hợp tốt nhất – xấu nhất, rồi sau đó mới thành thật với khách hàng (thành thật về tiến độ – kèm đối sách, nhưng mấy cái lý do lãng xẹt liên quan chú dev tên Kim thì ko nên nói ra).
Tổng kết
- Đánh giá sự việc trên view khách hàng
- Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng.
- Không nói dối nhưng không nhất thiết phải nói thật.
Trên đây là bộ 3 nguyên tắc cơ bản của bản thân mình, tất nhiên là cũng có vài nguyên tắc khác nhưng mình thấy nó không quan trọng lắm nên ko liệt kê. Các bạn có thể áp dụng theo nhưng đừng cứng nhắc quá nhé, nếu có gì hay cứ share cho mình học hỏi thêm ờ comment bên dưới nhé.