Ký sự BrSE

Những nẻo đường kỹ sư cầu nối

Tại sao BrSE cần phải biết code

Dạo gần đây mình nhận được khá nhiều câu hỏi từ các bạn xuất thân non-IT và cả những bạn học IT nhưng chưa có kinh nghiệm đi làm thực tế. Nội xung xoay quanh việc : liệu có nên đi code một thời gian rồi mới chuyển qua làm BrSE hay ứng tuyển thẳng luôn BrSE. Câu hỏi khá hay nhưng để đưa ra một câu trả lời trọn vẹn và ngắn thì không dễ. Vì vậy nên mình viết bài này mục đích đưa ra các lý do nên và không nên để mỗi người tự tìm cho mình câu trả lời riêng.

Kỹ sư cầu nối có cần biết code không ? giống như việc hỏi ngư phủ có cần biết bơi không vậy 😀 Tất nhiên là ngư phủ luôn ở trên tàu, không phải lúc nào cũng hùng hục bơi giữa biển. Mình là ngư dân nửa mùa (mùa đi học, mùa đi biển) nên biết khá rõ một ngư phủ cần gì, đó là các kỹ năng chài lưới, câu kéo (câu cá, kéo mực), và cả cảm quan về con nước cũng như thời tiết để có thể phán đoán được dòng hải lưu cũng như thuỷ sản đang nằm ở đâu đưới đại dương, và cả để tránh bão. Nhưng đôi lúc gặp những tình huống bắt buộc phải bơi, ví dụ lúc ra vào cửa lệch cạn (cửa biển lúc thuỷ triều xuống) phải đẩy thuyền, chân vịt bị kẹt dây neo phải vừa bơi vừa gỡ, và cũng có khi nhảy xuống bơi ngắm cá … vì sở thích, giống như cái máu code nó ngấm trong người mỗi dev chính hiệu, code for food và cả code for phân (fun).

Ngư phủ không phải lúc nào cũng bơi nhưng bắt buộc phải biết bơi.

BrSE không phải lúc nào cũng code nhưng bắt buộc phải biết code.

Đó là câu chuyện của ngư phủ đánh bắt gần bờ, còn thành viên trên các tàu lớn (vd tàu chở hàng – chở dầu – tàu khách thương mại) thường mỗi người một việc, và không phải ai cũng biết bơi. Giống như nhân viên trong tập đoàn lớn, có những người không hề học và cũng chẳng biết gì về source code nhưng vẫn làm phần mềm.

Bởi vậy nên nếu các bạn tham gia vào 1 team có sự hỗ trợ tốt, bạn chỉ cần làm 1 phần công việc mà mình có thể đảm nhận được, còn phần coding sẽ được người khác lo. Nhưng lúc này các bạn có thể apply với role BrSE và nhận mức lương tương đương, còn về mặt công việc thì đó là một JP support, chứ không phải là BrSE vì chỉ có Br (Bridge) mà không hề có 1 tí gì SE (System Engineer) ở đây cả. (Br non SE thì cũng có làm sao đâu nhỉ ? )

Và thêm một điều này nữa, chỉ biết code không cũng vẫn chưa đủ. Như đã ví dụ ở trên, ngư phủ ngoài bơi ra còn cần phải biết thêm 1 số kỹ năng khác như câu cá, kéo mực, móc cua … và họ không phải là vận động viên bơi lội 😀

Vậy nên nếu muốn làm công việc của JP supporter – nhận mức lương của BrSE thì có thể apply luôn mà không cần làm dev trước, nhưng phải hoàn thiện dần, tức là mình vừa làm vừa học chứ không phải thấy đang ổn là cứ giữ nguyên vậy là không ổn. Sau này hết dự án, hoặc giả sử thị trường outsource bị bó hẹp lại, những người thiếu kỹ năng sẽ bị đào thải đầu tiên. Các bạn hãy nhớ kỹ điều này để luôn cố gắng bù đắp.

Những trường hợp nào cần phải code ?

  • Khi pilot dự án : khách chưa tin được nên chưa giao dự án, không thể build team được ngay từ đầu, mình phải là người tự tay code ra sản phẩm để lấy dự án về, sau đấy build team thành công thì mới chuyển qua những việc quan trọng hơn như … chém gió 😀 giỡn chứ Estimate, design, plan, risk management …
  • Dự án chỉ toàn onsiter, tức lúc này là SE (đôi lúc không nên phân biệt BrSE vs SE làm gì)
  • Họp hành với khách cần đưa giải pháp, không biết code thì lấy solution đâu ra ?
  • Điều tra – cài đặt môi trường : đối với dev thì dễ, còn người không có kinh nghiệm thì phần này cực kỳ khoai.
  • Gặp bug mà chỉ phía bên Nhật mới access được để fix (vd : môi trường thật)
  • Review code : không biết code thì lấy gì ra mà review
  • Cần đọc code ngay trong site khách hàng (không share được) để hiểu hệ thống
  • Cần code tool để nâng cao năng suất
  • Code phụ team khi task overload

Kết

Muốn đi nhanh thì cứ apply thẳng còn muốn đi xa hãy code một thời gian tối thiểu 1 năm. Sự nghiệp là cả 30 năm thậm chí hơn, bỏ ra 1 vài năm đi code so với con số 30 thật sự nhỏ bé. Còn nếu nóng lòng muốn đi làm luôn… cũng được, nhưng phải biết mình đang thiếu đang yếu cái gì để mà bồi đắp vào, học dần và hoàn thiện. Sau 5 năm … không biết chuyện gì sẽ xảy ra, hãy chuẩn bị súng đạn thật kỹ kẻo tới lúc đó thị trường biến động lại không tìm được việc thì chỉ còn biết tự trách mình.

Nói vậy thôi chứ mình cũng đang phải ngồi cày mấy ngôn ngữ mới đây, code 9 năm rồi mà vẫn còn thấy yếu quá, phải học thêm dần, tới đâu thì tới.

4.1/5 - (9 votes)
Nếu thấy hay thì đừng ngại