Ký sự BrSE

Những nẻo đường kỹ sư cầu nối

Phỏng vấn Hanako về nhu cầu tuyển dụng BrSE

Bài này mình nợ bạn đọc từ năm ngoái mà bây giờ mới trả được. Những câu hỏi bên dưới phần nhiều xuất phát từ thắc mắc của các bạn trẻ sắp và đang là BrSE mà mình tổng hợp lại. Rất may là gặp được Hanako – cán bộ tuyển dụng của VTI Japan. Mọi người cùng xem những chia sẻ chân thành của em ấy nhé. Ngoài ra nếu có câu hỏi gì thêm thì cứ mạnh dạn comment hoặc nếu thấy ngại thì chat or mail riêng cho mình cũng được.

Hoa đẹp quá

1.Trước khi vào chủ đề chính thì em có thể giới thiệu sơ sơ một chút về bản thân được không ? (tên tuổi, bộ phận – công ty, kinh nghiệm, sở thích…)

Chào anh Trọng cùng toàn thể các bạn đọc, mình là Linh, sinh năm 1993. Hiện tại mình đang phụ trách chính mảng tuyển dụng tại Công ty cổ phần VTI Japan (Viet Technology International) – là công ty Công nghệ thông tin (CNTT) hoạt động trong các lĩnh vực phát triển phần mềm, cung cấp giải pháp và dịch vụ CNTT cho thị trường Nhật Bản.

Sở thích của mình là xem phim và đi du lịch. Vô tình lần này lại nhận được lời mời từ anh BrSE đa tài Tiger Nguyễn nên mới có dịp lên sóng giao lưu cùng anh chị em. Rất mong được các bạn giúp đỡ, có gì hơi quá đà xin mọi người lượng thứ 😀

Người Phỏng vấn : Tuy còn rất trẻ nhưng Linh cực kỳ cứng cáp và có bề dày kinh nghiệm tuyển dụng đáng nể so với độ tuổi. Thật ra thì nhìn ko đoán được sinh 93 đâu, chắc cỡ … ah mà thôi để bạn đọc tự đánh giá 😀

2.Em chia sẻ 1 chút về công việc thường ngày của mình cho mọi người được biết với nhé, biết đâu có bạn thích quá lại ứng tuyển vào vị trí … tuyển dụng

Nếu nói là công việc hằng ngày của em chỉ có đi làm quen thì không biết mọi người có tin không nhỉ? Đùa vậy thôi chứ công việc chính của em là:

  • Nhận yêu cầu tuyển dụng từ các phòng ban
  • Làm quen, trao đổi với ứng viên và tư vấn, lắng nghe nguyện vọng về việc làm của ứng viên rồi tìm kiếm các JOB phù hợp, để các bạn có thể phát triển tốt nhất sau khi thay đổi công việc.
  • Nhận, lọc CV, setup phỏng vấn
  • Thông báo kết quả, gửi offer
  • Follow ứng viên cho tới khi chốt được offer và sau khi vào công ty.

Sắp tới đây em còn đảm nhiệm thêm một vài task khác trong công ty nữa nên phía công ty cũng có dự định tuyển thêm một bạn làm tuyển dụng bán thời gian. Các bạn có mong muốn trải nghiệm cũng như định hướng theo nghề tuyển dụng thì cứ mạnh dạn apply nhé!

NPV : Công việc tuyển dụng không khác gì dâu trăm họ, cực nhưng thu lại nhiều thứ. Một trong số đó là làm quen được rất nhiều trai xinh gái đẹp :D. Có một tố chất cần thiết đó là “mạnh dạn”. Những bạn có tính cánh rụt rè, ai hỏi gì cũng cắn móng tay cười hí hí thì ko nên theo nghiệp này.

Đồng nghiệp của Hanako toàn trai xinh 😀

3.Làm việc với con người phức tạp và gặp nhiều trớ trêu hơn làm vs cái máy tính. Trong công việc chắc chắn là gặp nhiều tình huống khó đỡ, em có thể chia sẻ một vài kỷ niệm dở khóc dở cười được không 🙂

Dạ, thật ra khó đỡ thì cũng có nhiều kiểu khó đỡ lắm anh ạ. Tiện đây thì em chia sẻ luôn với mọi người một trường hợp chắc cũng hiếm gặp. Thường thường quy trình phỏng vấn bên em thì sẽ là phỏng vấn với phía nội bộ công ty trước, sau đó bạn ứng viên đồng ý với offer mà công ty đưa ra thì bên em sẽ tiếp tục sắp xếp lịch hẹn phỏng vấn với khách hàng luôn. Dạo đó, có bạn ứng viên tới phỏng vấn với bên em ok hết rồi, nói chuyện về offer các thứ bạn cũng đồng ý, không ý kiến gì cả. Tới hôm em mới gửi thư cho bạn thông báo lịch phỏng vấn với khách hàng, bạn cũng ok luôn. Ôi nói thật là tới được giai đoạn này là em đã vui lắm luôn ấy. Thế xong tới hôm ngày lành tháng tốt, khi mà khách hàng cùng phía nội bộ công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp nhất thì …ôi trời ơi, bạn ứng viên đó biến mất luôn và không làm cách nào em liên lạc lại được…

Thật sự thì cái cảm giác lúc đó nó còn tồi tệ hơn là bị người yêu đá đó anh ạ.

Vì sao em lại nói trường hợp này khó đỡ, là bởi vì việc này rất ảnh hưởng tới thời gian của khách hàng cũng như uy tín của công ty. Thêm nữa, em là người đứng giữa, nắm liên lạc của bạn mà gọi bạn không được trong khi các sếp thì điện thoại liên tục. Với các trường hợp kiểu này thì đúng là chỉ biết đứng hát “KHÓ” của Nam Cường thôi anh ạ. ^^

NPV : Thực ra vấn đề cancel ngang xương kiểu này không phải là hiếm. Tất nhiên ai cũng có lý do riêng để biện minh cho quyết định của mình. Việc từ chối cũng là cả một nghệ thuật. Không ai bắt mình làm nghệ sĩ, nhưng chí ít thì ko nên gây oan trái như vậy. Tương lai phía trước không ai đoán được. Các bạn nghĩ sao nếu một mai gặp lại ? Vậy nên chỉ cần liên lạc cancel để tránh làm ảnh hưởng người khác. HR cũng quá quen với việc bị từ chối nên cũng không cần ngại đến mức cắt mọi liên lạc.

4.Hiện tại thị trường Nhật rất rộng mở cho các bạn kỹ sư IT. Không chỉ các công ty Việt lập chi nhánh tại Nhật mà các công ty Nhật cũng đầu tư xây dựng cơ sở ở HN – DN – HCM rất nhiều. Nhưng mà để dấn thân theo nghề BrSE thì nhiều bạn không dám chắc tương lai. Em có thể đưa ra một vài đánh giá khách quan về nhu cầu SE/BrSE trong vòng 5 năm tới được không.

Ồ, tại sao lại không nhỉ? Thực tế là Nhật Bản họ đang phải đối diện với áp lực già hóa dân số, thêm nữa với việc duy trì quy mô phát triển như hiện nay thì Nhật Bản đang rất cần một lượng lớn lao động, đặc biệt hơn cả là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo như con số mà METI (Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản) công bố thì tới năm 2020 Nhật Bản vẫn còn thiếu tới 5000 kĩ sư công nghệ thông tin. Một con số khá lớn đúng không nào! Với các bạn mong muốn dấn thân vào con đường BrSE thì em nghĩ rằng các bạn nên tìm hiểu, trau dồi kiến thức và không ngừng học hỏi từ chính những người đi trước. Và cá nhân em thì em thấy nghề nào cũng vậy chứ không chỉ riêng BrSE, muốn thành công thì mình đều phải bỏ thời gian, công sức để học hỏi, tìm tòi, và phải làm thực tế hết cả.

Nói tóm lại thì với sự mở rộng thị trường xuất khẩu phần mềm tại Nhật như thế này, thì việc nhu cầu về SE/BrSE sẽ còn miệt mài tăng trong vài năm tới có vẻ không còn nghi ngờ gì nữa anh Trọng nhỉ?

NPV : Các bạn đọc bài viết bên dưới để hiểu thêm

https://kysubrse.com/trien-vong-cua-nghe-ky-su-cau-noi-brse/

5.Ngoài ra nếu em không phiền thì có thể tiết lộ 1 vài con số để các bạn có cái nhìn chân thực hơn về thị trường IT tại Nhật. Ví dụ trung bình mỗi tháng tuyển dụng bao nhiêu người, tỉ lệ tuyển ngay tại Nhật – từ Việt Nam sang, ngôn ngữ – công nghệ gì tuyển nhiều, tỉ lệ pass bao nhiêu % và 1 vài con số khác mà em có thể bật mí được

Dạ, cái này cũng tuỳ từng thời điểm mà con số có thể khác nhau, nhưng tuy nhiên theo số liệu của những năm trước thì trung bình một tháng công ty em tuyển thêm từ 3 đến 5 người. Trong số đó có khoảng 1/3 là các bạn được tuyển từ Việt Nam qua. Ngoài công ty em thì các công ty xuất khẩu phần mềm khác tại Nhật cũng tuyển dụng với số lượng tương tự. Chưa kể đến việc các công ty Nhật có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư người Việt nói được tiếng Nhật cũng khá nhiều. Hồi tháng 11, tháng 12 vừa rồi em được biết là FPT Japan tuyển dụng kỹ sư với số lượng rất lớn, không phải là 5 người, 10 người mà lên tới … 200 người, đủ mọi lĩnh vực, không phân biệt là đang ở Nhật hay đang ở Việt Nam.

Với những thông tin trên từ phía em và câu chuyện về việc thiếu hụt nhân lực IT chưa nhìn thấy hồi kết ở thị trường Nhật Bản này thì em tin rằng các bạn sẽ có cái nhìn chân thực nhất.

NPV : Các bạn có thể thấy cầu vượt cung, nhưng có một nghịch lý là không phải ai tốt nghiệp CNTT ra cũng tìm cho mình một chỗ đứng ngon lành với thu nhập ổn. Lời giải mình có viết trong bài dưới, các bạn tham khảo.

 https://kysubrse.com/giai-ma-cum-tu-khat-nhan-luc-cntt/

6.Em đã từng có vài năm kinh nghiệm tuyển dụng, từng tiếp xúc cũng như trực tiếp phỏng vấn rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi – trình độ – kỹ năng. Qua buổi phỏng vấn có thể đánh giá BrSE tiềm năng thông qua những yếu tố gì ? (để anh em chú ý phát huy).

Vâng, mặc dù đúng là em đã từng tiếp xúc cũng như trực tiếp phỏng vấn, trao đổi với rất nhiều ứng viên có kinh nghiệm lẫn chưa có kinh nghiệm BrSE tuy nhiên để đánh giá được 1 người thực sự có tiềm năng làm công việc này hay không thì lại là 1 vấn đề rất nan giải. Thực tế như việc lựa chọn ứng viên phù hợp và có thể gắn bó lâu dài với công ty mất khá nhiều thời gian, như bên công ty em thì trung bình sẽ có 3 vòng phỏng vấn (nội dung có thể giống nhau nhưng người phỏng vấn sẽ khác). Mục đích là để các kết quả đánh giá được khách quan nhất có thể. Và kết quả đánh giá thì chủ yếu sẽ dựa vào 4 yếu tố như sau:

  • Có nền tảng kiến thức cơ bản tốt.
  • Suy nghĩ nhanh nhạy
  • Định hướng phát triển bản thân rõ ràng qua từng giai đoạn
  • Có khả năng tự học hỏi những cái mới: ngoại ngữ, công nghệ mới,…

Chỉ đơn giản vậy thôi ạ.

NPV : ngon cả 4 thứ này không đơn giản tí nào em ơi 😀

Quy trình tuyển dụng thường trải qua nhiều vòng và sẽ có một hoặc nhiều người tham gia

7.Vậy còn những bạn có kỹ năng IT – JP – kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, nhưng vẫn bị trượt. Vậy em có thể bật mí các điểm mà các bạn cần cải thiện để rút kinh nghiệm trong những lần sau không. Ví dụ như tư thế, cách ăn mặc, cách nói chuyện, cách PR bản thân, các kỹ năng mềm khác …

Dạ, nghe hơi vô lý mà sự thật là có rất nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy xảy ra đó anh Trọng à. (Hì Hì) Em sẽ không dài dòng nữa mà vào luôn vấn đề nhé. Nói về các lý do trượt thì vô vàn lý do tưởng chừng rất không liên quan nhưng thực tế lại rất cần phải chú ý khi đi phỏng vấn. Các bạn cùng tránh nhé!

  • Không chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn: Ví dụ: không tìm hiểu trước các thông tin cơ bản về công ty ứng tuyển,..

→ Cách khắc phục: Ok, bạn chỉ cần thẳng thắn thửa nhận thiếu sót của mình, sau đó đưa ra lời đề nghị nhà tuyển dụng trả lời giúp bạn để bạn có thể bổ sung kiến thức đó ngay lập tức.

  • Nói dài nói dai đôi khi thành nói dại:

→ Cách khắc phục: Bạn chỉ cần tập trung trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu là chắc chắn ăn điểm luôn.

  • Tự tin thái quá: Tự tin là cần thiết nhưng chỉ cần hơi quá một chút bạn sẽ dễ bị hiểu lầm thành tự mãn đó.

→ Cách khắc phục: Bạn chỉ cần thể hiện vừa đủ, chỉ cần là chính bạn vậy là đủ. Một khi bạn có giá trị của chính mình, bạn không cần chứng mình điều đó cho ai nữa cả

  • Yêu cầu mức lương chưa phù hợp với năng lực: Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng và tất yếu đối với bất cứ ai khi đi phỏng vấn.

Cách khắc phục: Tốt nhất bạn nên tìm hiểu mức lương dao động đối với vị trí mà bạn ứng tuyển trước khi đưa ra mức lương mong muốn. Hoặc một cách tốt hơn đó là bạn nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng về mức lương họ trả cho các vị trí tương tự tại công ty của họ.

NPV : Đây là những bật mí cực kỳ bổ ích, các bạn chú ý nhé.

8.Hiện tại thông tin trên google nhiều vô kể, tin từ các công ty săn đầu người cũng không ít, và rất khó để chọn lọc. Có nhiều bạn hiện tại đang làm ở Việt Nam kết hợp đủ cả khả năng code – tiếng Nhật – kinh nghiệm, nếu các bạn muốn sang Nhật làm việc thì có thể tìm thông tin tuyển dụng uy tín ở đâu.

Thực tế là có rất nhiều các công ty lớn làm về outsourcing và nếu như các bạn xem thông tin tuyển dụng từ chính website của các công ty đó thì em tin đều là những thông tin tuyển dụng uy tín cả . Thêm vào đó, các bạn cũng biết được thêm nhiều thông tin về công ty mà bạn dự định ứng tuyển. Các nhà tuyển dụng khi phỏng vấn cũng sẽ rất ấn tượng nếu như bạn đã tìm hiểu trước về công ty của họ. Như vậy chẳng phải là tiện cả đôi đường hay sao!

Ngoài ra em cũng chia sẻ thêm 1 vài website tuyển dụng uy tín như:

http://www.vietnamworks.com/

http://www.careerlink.vn/

http://itviec.com/

https://hri.com.vn/

Hoặc các bạn cũng có thể tự tạo cho mình tài khoản linkedin và sử dụng vì phần lớn các nhà tuyển dụng uy tín họ thường xuyên làm việc qua đó là chính.

Hoặc thêm 1 sự lựa chọn nữa là các bạn có thể trao đổi trực tiếp với mình. (Mình có để thông tin lại ở phía cuối đó ^^)

NPV : anh chị em chú ý phần in đậm

9.Đối với các bạn du học sinh, Em có lời khuyên nào không ? các bạn học xong thì nên về hay là ở lại Nhật xin việc. Nếu các bạn có mong muốn ở lại thì cần phải làm gì ? một ý nữa, có người nói học xong thì nên về “xây dựng quê hương”, không về là chảy máu chất xám này nọ, anh nghĩ ở lại làm gửi JPY về cũng là một cách xây dựng hay chứ không nhất thiết phải về, quan điểm của em sao ? 🙂

Chà, một câu hỏi khá là quen thuộc. Câu chuyện về hay ở lại Nhật chắc hẳn ai cũng không dưới 1 lần đau đầu và lạc lối. Đến ngay chính bản thân em cũng không phải ngoại lệ. Thực tế là em cũng không biết nên khuyên các bạn thế nào là hợp lý vì mỗi người 1 hoàn cảnh, mỗi người 1 suy nghĩ, mà còn đắng lòng hơn là suy nghĩ của chúng ta liên tục thay đổi qua mỗi giai đoạn. Vì thế nên lời khuyên chân thành nhất là các bạn hãy tự phân tích bản thân trước (có thể áp dụng phương pháp S.W.O.T), sau đó tìm cho mình hướng đi phù hợp với năng lực cũng như nguyện vọng của bản thân. Việc về hay ở lại Nhật em cũng có đồng quan điểm với anh Trọng. Theo em không phải cứ về nước mới là xây dựng quê hương. Ở đâu thì cũng có thể xây dựng quê hương được hết, chỉ cần bản thân mình muốn làm là mình nhất định sẽ làm được thôi 😀

NPV : Anh cũng ngẫm lại bản thân mình.

Đối với anh em xa quê thì những buổi off đằm thắm thế này cực kỳ ý nghĩa. Đây là hình chụp hôm cháy cùng U23

10.Câu hỏi của bạn đọc. Có 1 bạn du học sinh Non IT, tiếng Nhật tầm N2 +, bạn ấy không thể xin được việc trong nghành mình học, vậy bên IT mình có cơ hội nào cho những trường hợp này không ?.

Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi. Như thị trường hiện tại thì cơ hội việc làm ngành IT vẫn rất rất nhiều, có chăng chỉ thiếu nhân lực thôi, và thực tế cũng có nhiều bạn Non IT nhưng vẫn làm được IT. Đơn giản vì có những công ty họ tuyển người chưa có kinh nghiệm (未経験) vào để đào tạo. Tuy nhiên những trường hợp này vẫn cần có kiến thực cơ bản về IT thì họ mới có cơ sở để đào tạo. Chính vì thế nên mình có một lời khuyên nho nhỏ tới các bạn Non IT nhưng muốn làm IT là các bạn nên tìm kiếm và tham gia các khóa học về IT cơ bản trước khi ứng tuyển vào các công ty IT. Kiến thức không bao giờ là đủ cả, càng học sẽ càng thiếu nên các bạn hãy tập trung học những kiến thức cơ bản nhất, bởi móng mà chắc thì nhà mới xây cao được.

Thực sự là cũng có nhiều chuyện nữa muốn tâm sự với mọi người nhưng chắc em xin để dành vì có chuyện quan trọng hơn em muốn chia sẻ với mọi người, đó là: Từ nay tới hết 2018, VTI Japan dự định sẽ tuyển thêm 30 BrSE (nhiều level, không quan trọng ngôn ngữ) làm việc tại Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka với dải lương cực kỳ hấp dẫn từ 380 ~ 600 vạn yên/ năm.

Và trên hết, đến với VTI Japan là đến với nơi của những con người trẻ trung, tài năng nhưng cũng hết sức thú vị. Bởi VTI Japan không chỉ là nơi các bạn tới làm việc, mà nơi đây khuyến khích các bạn chia sẻ ý tưởng, cống hiến hết mình và được ghi nhận xứng đáng!

Mọi người ai quan tâm hoặc có bạn bè đang tìm việc thì vui lòng liên hệ với em qua Skype: linh.hanako hoặc gửi CV ứng tuyển qua mail: [email protected] (Pass: bạn anh Tiger Nguyen)

Xin lỗi mọi người vì quảng cáo hơi lộ liễu. Rất mong chúng ta sẽ sớm có duyên làm đồng nghiệp dưới mái nhà VTI Japan.

NPV : Đúng là hơi lộ liễu 😀 nhưng anh nghĩ nhiều người cần contact, biết đâu được lại có bạn nhờ đọc bài này mà thành đồng nghiệp của em.

Anh cũng rất thông cảm với nhiều em sinh viên qua du học vì việc “đi siu” cực kỳ vất vả, và không phải ai cũng may mắn tìm được công việc tốt để gia hạn visa. Trong khi đó tiếng Nhật các bạn có nhưng lại thiếu kỹ năng IT. Đúng là cuộc sống lắm lúc bất công, nên có những thứ không bao giờ thẳng. 

Cảm ơn Linh rất nhiều về những chia sẻ rất bổ ích và thú vị. Chúc em mãi trẻ mãi xinh, công việc trôi chảy và đặc biệt không gặp phải case nào dở khóc dở cười nữa nhé.

4.8/5 - (13 votes)
Nếu thấy hay thì đừng ngại

One thought on “Phỏng vấn Hanako về nhu cầu tuyển dụng BrSE

Comments are closed.