Ký sự BrSE

Những nẻo đường kỹ sư cầu nối

Cho một ngày mai tươi sáng

Dạo gần đây xuất hiện nhiều thông tin không mấy hay ho về cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Và còn có 1 tin khá sock là chính phủ Nhật sẽ siết chặt việc tiếp nhận hồ sơ du học – tu nghiệp từ Việt Nam. Mình ít khi bình luận và cũng không muốn để ý nhiều những chuyện tiêu cực mà tập trung vào việc tìm tòi những bài viết, ý tưởng hay ho để dịch song ngữ cho bạn nào muốn học tiếng Nhật. Chia sẻ những kinh nghiệm hơn 5 năm trời chinh chiến cho các em bớt bỡ ngỡ, chọn đúng hướng đi. Hầu hết đều là chuyện nghề. Nhưng vừa qua để xảy ra quá nhiều vụ việc đáng xấu hổ như như trộm cắp, đâm chém, lừa đảo nhau thì cũng muốn tâm sự với mọi người 1 chút cho đỡ bức xúc.

Nếu đã sống ở Nhật lâu thì không lạ gì những biển cảnh cáo ghi rõ ràng bằng tiếng Việt tại các cửa hàng hay khu chung cư tập trung đông người Việt. Cái gì cũng có lý do của nó cả. Đành rằng chỗ nào cũng có người này người kia, nhưng người này ít mà người “kia” nhiều quá thì cũng cần phải xem lại.

Thứ nhất là vấn đề nhận thức : Khác với người Nhật được đào tạo bài bản từ nhỏ về ứng xử – tư cách đạo đức từ những cái mà mình xem là lặt vặt như : vứt rác đúng chỗ – đúng loại, biết xếp hàng, không làm ồn nơi công cộng … và cả việc không động vào đồ người khác. Các con em mình lớn lên trong một môi trường mà giáo dục từ nhà trường – gia đình – xã hội không đến mức thối nát nhưng mà nói trắng ra là thiếu bài bản. Nếu 1 đứa con nít chen ngang hàng nhảy bổ vào để mua 1 cây kem thì không hiếm bà mẹ sẽ khen là khôn ngoan (ở Nhật là ăn bạt tai ngay). Đó là phía gia đình, còn nhà trường thay vì để cho tụi nhỏ học những điều cơ bản để thành người công dân chững chạc thì lại tạo thói quen ganh đua điểm số, bon chen tranh giành thứ hạng 1 cách xấu xí nhất không tương xứng với tuổi thần tiên của các em. Còn xã hội thì sao ? cái này đầy trên mạng nên mình không nói nữa.

Ở Nhật thì trách nhiệm giáo dục trẻ không phải đặt hết trên vai ba mẹ với nhà trường mà là cả xã hội. Người lớn ngầm hiểu với nhau tạo ra môi trường trong sạch – trong sáng nhất cho trẻ phát triển. Một ông đang cầm điếu thuốc trên tay phì phèo, nếu thấy con nít họ sẽ giấu đi ngay. 2 người to tiếng cãi nhau thấy trẻ con họ cũng tạm ngưng dù chả quen biết đứa nhỏ. Các cặp đôi hẹn hò hun hít nhau thì luôn né mấy chỗ khu vui chơi trẻ em. Còn trong nhà sách, khu truyện tranh đặt rất xa khu 18+. Nói ra vậy không phải để khen người Nhật chê người Việt mình – họ cũng người này người kia nhưng người này nhiều còn người “kia” ít. Nói ra để biết rằng những hành vi của các bạn trẻ phần nào cũng từ nhận thức.

Thứ 2 là vấn đề cơm áo. Giả sử cho một người Nhật đặt vào hoàn cảnh éo le, nợ nần chồng chất, đi học thì không có tiền, đi làm thì đồng lương ít ỏi còn bị bớt xén. Cũng không loại trừ khả năng họ sẽ làm bậy chả khác gì các em sinh viên Việt túng quẫn. Nếu xét về mặt hoàn cảnh, có thể thông cảm được một phần nào đó, tức là các em có “lý do để làm bậy”. Nước chảy chỗ trũng là nguyên lý rất tự nhiên. Và nơi nào kiếm được đồng tiền thì mọi người sẽ kéo nhau tới bằng cách này hay cách khác. Sinh viên học xong ra trường đứng giữa 2 lựa chọn, 1 là chấp nhận làm lương 3 cọc 3 đồng (có bạn còn không có việc để làm), 2 là bỏ 180 – 220 triệu để làm thủ tục sang Nhật du học – thực chất là mượn danh để làm việc. Hầu hết là vậy (Các bạn sinh viên đích thực qua vì mục đích học thì mình không ý kiến đâu nhé, đừng hiểu nhầm). Sau vài năm sẽ có được số vốn kha khá, vậy thì tất nhiên là sẽ chọn phương án 2. Đặc biệt là trong vài năm qua Nhật nới lỏng visa nhằm thu hút nhân lực – trí lực từ nước ngoài để giải quyết vấn đề dân số bị lão hoá, thì việc các em ồ ạt qua Nhật là hiển nhiên. Nhưng trước khi qua, đa số không phải tự học tiếng Nhật rồi săn học bổng từ các trường đại học, mà là qua các trung tâm môi giới. Các trung tâm này họ cũng vì miếng cơm mà bơm thổi 1 vài con số hơi khác thực tế. Cái này cũng không thể hoàn toàn trách họ được – làm ăn kinh doanh mà. Đáng trách ở đây là việc không chịu tìm hiểu thông tin trước khi vác ba lô lên đường. Cuộc sống bên này cũng không đến mức bi đát như các bài than vãn của du học sinh. Cái này là do tụi báo lá cải làm quá để câu view. Nhưng mà nó không màu hồng như mô tả của trung tâm môi giới. Các em nghĩ sẽ lấy visa xong đặt chân sang được Nhật rồi muốn làm cái gì làm ? sau 2 năm sẽ kiếm được cả tỉ đồng ? sai lầm.

Thứ Nhất là đồng lương Nhật không cao như em nghĩ, đặc biệt Chính Phủ của Thủ Tướng Abe đang ngày càng cố gắng giảm giá đồng Yên để kích thích kinh tế. Cách đây 6 năm 10 man đổi ra 30 triệu, nhưng giờ giảm còn 20 thôi, chênh lệch rất lớn đấy. Thứ 2 là sinh hoạt ở bên này rất đắt đỏ, gần như đắt nhất thế giới, ở khu Tokyo thì càng thảm nữa. Thứ 3 là giới hạn giờ làm việc : 28h/1 tuần, trong khi kaishain thì được làm 44 tiếng/1 tuần + 20 tiếng overtime với lương hệ số cao hơn. Thử tính coi, 1 tháng làm tối đa được 28 * 4 = 112 tiếng, luơng 900 yên/1 giờ khu tokyo – yokohama, chỗ khác thì 700 – 800 như chofu – ibaraki – akita. Vậy tối đa 1 tháng kiếm được 10 man ~ 20 triệu.

Về học phí, nhóm Đại học công và quốc gia: khoảng 540,000 Yên mỗi năm và phí nhập học 280,000 Yên cho cả bậc đại học và cao học. Nhóm Đại học tư thục: khoảng 875,000 Yên tới 3,700,000 Yên mỗi năm cùng với phí nhập học từ 235.000 Yên tới 1,300,000 Yên cho bậc đại học. Về sinh hoạt phí, nếu ở chung nhà đông người thì mỗi người 2m tiền phòng, tiền ăn 5m, tiêu vặt + điện thoại 3m. Nếu muốn dư ra chút ít đi du lịch thì cày những ngày nghỉ lễ được phép đi làm 8 tiếng (1 năm Nhật có ~ 20 ngày lễ, không tính vào 28 tiếng/tuần trong luật lao động ). Tính sơ sơ, qua để học thì không cần tốn tiền nhà, nhưng qua để chỉ vì kiếm tiền thì tuyệt đối không nên vì chả dư bao nhiêu.

Có nhiều bạn phá luật làm quá số giờ qui định và phải về nước, những bạn không dám mạo hiểm cày cuốc thì không tích luỹ được. Vậy nên phải xác định ngay từ đầu và chấp nhận thì mới đi, và mình đi để học cái hay sau này mình về sẽ sống khác, dù không dư vài trăm triệu nhưng nếu chịu khó lấy cái bằng đại học – cao đẳng + N2 thì ra trường sẽ không lo đói đâu. Vậy nên các em hãy suy tính thật kỹ càng nhé, 18+ là thành người lớn rồi, phải tự lập trong suy nghĩ để đưa ra quyết định cho cuộc đời mình. Là gà hay đại bàng là do mình, có cơ hội vươn ra biển lớn đã là may mắn hơn so với rất nhiều người rồi. Cố lên các em.

5/5 - (4 votes)
Nếu thấy hay thì đừng ngại

4 thoughts on “Cho một ngày mai tươi sáng

  1. Bài viết tâm huyết nhưng có hơi sai chính tả chút anh
    Siết chặt chứ ko phỉa xiết chặt
    Ganh đua chứ ko phải ghanh đua :D, ahihi

    1. Thanks e, anh đã sửa lại. Sau này tiếp tục góp ý nhé.

  2. Anh có thể cho em hỏi một chút thắc mắc được không ạ.
    Nếu ko có bằng đại học thì mình có thể sang nhật làm việc được không ạ.
    Hiện tại em chỉ có bằng cao đẳng nghề.

Comments are closed.

%d bloggers like this: